Theo cáo buộc của phía VNG đối với TikTok, trên nền tảng của ứng dụng video ngắn này có nhiều clip lồng ghép nhạc nhưng lại không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng. Nhiều bản ghi âm những bài hát được lồng ghép trong các clip ngắn đó lại do Zing – một công ty con của VNG – nắm giữa quyền sở hữu và khai thác.
Cũng theo cáo buộc của VNG, trong một báo cáo phía Zing cho biết đã thống kê được có tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm mà Zing giữ quyền sở hữu và khai thác được sử dụng trái phép trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.
Trước đó vào tháng 6.2019, phía VNG đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok, song TikTok không gỡ các bài nhạc được VNG khẳng định là vi phạm.
Từ tình trạng mà phía VNG cho rằng TikTok đã xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đề cập ở trên, công ty này cho rằng đã bị thiệt hại, với giá trị tương đương khoản yêu cầu TikTok bồi thường hơn 221,5 tỉ đồng, tương đương khoảng 9,5 triệu USD, cùng với đó là TikTok phải xin lỗi công khai qua đường gửi thư trực tiếp, trên website…
Phân tích về vụ việc này, luật sư Lê Ngọc Lam Điền – Trưởng văn phòng luật Li và Đồng sự thuộc Đoàn Luật sư TPHCM – cho rằng, đây là một vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ về bản quyền ghi âm. "Về nguyên tắc, phía VNG có quyền khởi kiện khi họ thấy rằng mình bị xâm phạm về bản quyền sở hữu trí tuệ mà bên bị VNG cáo buộc vi phạm chính là TikTok. Và trên thực tế, Tòa án Nhân dân TPHCM cũng đã chấp nhận thụ lí vụ án này thông qua văn bản thông báo gửi cho các bên”, luật sư Lam Điền giải thích.
Tuy nhiên theo vị luật sư, việc tòa án chấp nhận thụ lí cũng mới chỉ là bước đầu của vụ kiện mà VNG đòi TikTok khoản bồi thường lên đến hơn 221,5 tỉ đồng.
Theo luật sư Lam Điền, khi đã khởi kiện, phía VNG đương nhiên là đã theo đuổi quan điểm TikTok xâm phạm bản quyền ghi âm thuộc sở hữu của Zing, khiến VNG bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong vấn đề tranh tụng, quan điểm là một chuyện, quan trọng hơn vẫn là chứng lí để chứng minh được các điểm mấu chốt: Một là, TikTik có xâm phạm và sự vi phạm đó là đối với bản quyền sở hữu trí tuệ (bản ghi âm) của VNG. Hai là, TikTok có hưởng lợi từ việc xâm phạm bản quyền nêu trên. Ba là, VNG phải chứng minh được thiệt hại của mình tương ứng với khoản tiền đòi được bồi thường.
Một điều cũng cần được lưu ý phân biệt là, sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của TikTok đối với các bản ghi âm nhạc của Zing là xâm phạm trực tiếp từ phía TikTok hay gián tiếp, là do những người dùng TikTok đưa lên.
Luật sư Lam Điền cho rằng, việc chứng minh thiệt hại của nguyên đơn và chứng minh sự hưởng lợi từ hành vi xâm phạm bản quyền của bị đơn luôn là bài toán nan giải trong các vụ kiện dân sự có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong vụ kiện của VNG đối với TikTok cũng vậy, luật sư Điền cho rằng việc chứng minh bị thiệt hại có giá trị tương đương hơn 221,5 tỉ đồng của phía nguyên đơn cũng là bài toán không hề đơn giản và dễ dàng, và cũng phải chỉ ra được là thiệt hại đó gây ra bởi ai, ở đây có hai đối tượng là TikTok và người dùng TikTok.
Hơn nữa, việc lập luận, chứng minh của VNG cũng mới chỉ là một phía. Vấn đề sẽ còn phụ thuộc vào phía TikTok với đội ngũ luật sư của mình sẽ có các ý kiến, trưng ra tài liệu, bằng chứng chứng minh nhằm phản tố, bác bỏ các cáo buộc từ phía VNG ra sao.
Và quan trọng hơn nữa, từ quan điểm đến lập luận, chứng cứ của hai phía thuyết phục được Hội đồng xét xử như thế nào, để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết cuối cùng cho bên nào thắng kiện.