Tình trạng “báo hóa” là các trang mạng có giấy phép hoạt động mạng xã hội đang có “phóng viên” tác nghiệp và xuất bản tin bài như báo chí mặc dù không được cấp phép hoạt động như vậy. Thậm chí, nhiều diễn đàn, mạng xã hội còn có “phóng viên cơ hữu” hưởng lương hàng tháng để đi tác nghiệp viết bài dù lấy tên tài khoản là thành viên, nhưng với mật độ xuất hiện như phóng viên báo chí.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT), số lượng hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội năm 2020 cao hơn so với năm 2019. Trong 6 tháng từ tháng 5-10.2020, có 190 hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội, tăng đến 73% so với cùng kì năm 2019 (chỉ có 110 hồ sơ xin cấp phép).
Nhận định từ Cục PTTH&TTĐT cho rằng: “Đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hóa” trang tin sang “báo hóa” mạng xã hội”.
Cụ thể, các hồ sơ xin cấp phép gửi đến Cục có tên miền na ná với tên miền của cơ quan báo chí tăng cao, như: kinhtephattrien.vn, kinhdoanhvaxahoi.vn, kinhtehoptac.vn, nguoisaigon.com.vn, chuyendong360.vn, kdpl.vn, thongtinthitruong.net.vn, kinhtenet.com.vn, phapluatvathoidai.vn, doanhnghiepvadoisong.vn, xahoivacongluan.vn, kinhdoanhplus.vn, doichandoanhnhan.vn, nguoidautu.vn, newvietnam.vn…
Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải trên mạng xã hội, hoạt động như cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, giao diện các trang mạng xã hội cũng giống báo điện tử, bao gồm các chuyên mục, nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra…
Một tình trạng mới xuất hiện là một số nhà báo lập nhiều trang mạng xã hội cùng với nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp để khi nội dung được đăng tải thì đồng loạt các trang mạng xã hội cùng các trang thông tin do cùng một người sở hữu, quản trị điều hành sẽ đăng tải theo nhằm tạo áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng.
Trên thực tế hiện nay trên thị trường, có không ít mạng xã hội, diễn đàn trong một số lĩnh vực, chuyên ngành thậm chí còn thể hiện “quyền lực” hơn cả so với nhiều cơ quan báo chí trong mối quan hệ với các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực đó.
Nhiều doanh nghiệp e ngại những bài viết có ảnh hưởng không tốt trên các trang mạng xã hội này vì sự tác động trên diện rộng, đặc biệt là kéo theo làn sóng bình luận mang tính bầy đàn ảnh hưởng tiêu cực nặng nề tới doanh nghiệp. Chính vì thế, khung giá quảng cáo, truyền thông của những mạng xã hội này cũng cao hơn so với rất nhiều tờ báo.
Theo Cục PTTH&TTĐT, thời gian qua đã phát hiện 24 trường hợp mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa”, trong đó đã xử phạt 6 trường hợp với tổng số tiền 273 triệu đồng. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lí tình trạng “báo hóa” mạng xã hội, không loại trừ biện pháp rút giấy phép đối với các mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ bổ sung một số qui định trong thời gian tới để quản lí chặt và hạn chế tình trạng “báo hóa” mạng xã hội. Đơn cử như, mạng xã hội không được tự cung cấp thông tin, các dịch vụ khác; chỉ các tài khoản được định danh 2 lớp mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà, nếu không chỉ được xem tin bài; mạng xã hội đăng thông tin thành viên theo thời gian thực, không sắp xếp vào các chuyên mục; không cho phép thành viên mạng xã hội đăng tải các bài viết giống sản phẩm báo chí; chỉ mạng xã hội được cấp phép mới có quyền livestream thu phí; mạng xã hội cung cấp đa dịch vụ phải gỡ bỏ các dịch vụ chuyên ngành vi phạm pháp luật…