Trao đổi với PV Lao Động chiều 29.8, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Ethylene oxide chưa được cấp phép và không thuộc danh mục hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam.
Trên thế giới, nhiều nước sử dụng hóa chất này làm hóa chất khử trùng, nhưng Etylene oxide chưa được cấp phép được sử dụng với mục đích trên tại Việt Nam phần vì chưa có đơn vị nào xin cấp phép, một phần bởi chất này thuộc nhóm 1b, Châu Âu (EU) liệt vào danh sách các hóa chất “có nguy cơ gây ung thư”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cũng cho rằng, mọi người thường nhầm lẫn giữa thuốc khử trùng và thuốc sát khuẩn.
“Thuốc khử trùng là thuốc ở điều kiện bình thường sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng qua cơ chế gây độc hô hấp. Tại Việt Nam hiện chỉ có 2 loại được cấp phép để sử dụng cho thuốc khử trùng là Methyl Bromide và Phosphine (từ tiếng Anh gọi chung là fumigants).
Ethylene oxide không bền ở điều kiện thông thường và nó phân hủy tạo ra oxy nguyên tử gây độc hô hấp, nên cũng được xếp vào nhóm này. Tuy nhiên, bên cạnh việc đó nó còn có tác dụng sát khuẩn qua cơ chế phá hủy thành tế bào hoặc các cơ chế khác nên được sử dụng trong sát khuẩn để diệt vi khuẩn, diệt nấm và sử dụng để làm sạch thiết bị (từ tiếng Anh sterilize).
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, nếu chỉ dựa cơ chế giải phóng oxy nguyên tử mà dùng Ethylene oxide để làm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ngoài đồng ruộng thì không hợp lý, vì với cơ chế đó thì cách phun nước oxy già hoặc phun nước có ozone còn hiệu quả hơn nhiều về chi phí.
Chính vì vậy, chắc không có ai dựa vào tính chất này để đăng ký Ethylene oxide làm hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng cả. Chưa kể đến Ethylene oxide có thể gây độc đến cây trồng cũng như nguy cơ cao về cháy nổ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), thông tin về các hóa chất được phép sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, về thuốc trừ sâu có 861 hoạt chất với 1.821 tên thương phẩm và không có tên hóa chất Ethylene oxide.
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT), thì có 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản cấm sử dụng, nhưng cũng không có tên hoạt chất Ethylene oxide.