Thống kê của Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong thời gian từ 24 giờ ngày 11.4 đến 19 giờ 34 phút ngày 12.4 đã có 39 doanh nghiệp đăng ký 521 tờ khai tại 13 chi cục hải quan với tổng số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu 399.999,73 tấn.
Trong số 39 doanh nghiệp này, Cty CP Tập đoàn Intimex mở được nhiều tờ khai nhất, với 102 tờ khai đăng ký xuất khẩu 96.234 tấn gạo. Tiếp đó là Tổng công ty Lương thực miền Nam với 27 tờ khai, sản lượng 38.357 tấn gạo. Thứ ba là Cty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang với 19 tờ khai, sản lượng 35.677 tấn gạo.
Một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu gạo cho biết, hồ sơ hải quan mẫu xuất khẩu mặt hàng gạo điển hình thường phải có: Vận đơn xuất khẩu gạo, chứng nhận chất lượng gạo xuất khẩu, chứng nhận nguồn gốc gạo xuất khẩu, giấy hun trùng gạo xuất khẩu, chứng nhận an toàn khi con người tiêu dùng gạo, bảo hiểm vận chuyển xuất khẩu gạo, báo cáo dinh dưỡng trong gạo, kiểm dịch thực vật gạo xuất khẩu, phiếu đóng gói gạo xuất khẩu, hóa đơn mua bán gạo.
“Những doanh nghiệp nào mở tờ khai thành công thì chủ động tập kết hàng hóa, hải quan kiểm tra hồ sơ thực tế hàng hóa nếu thấy đầy đủ thì cho xuất khẩu bình thường”, một cán bộ Tổng cục Hải quan cho hay.
Ngoài ra, những doanh nghiệp vừa có tờ khai xuất khẩu, vừa trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng “xù” thầu, bỏ dự trữ sang xuất khẩu, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia mới được xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo.
Cụ thể, thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ví dụ như Tổng Cty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu với 8 tờ khai, số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn”, ông Tuấn cho hay.
Có hai doanh nghiệp khác gồm Công ty CP Vĩnh Tường và Công ty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực, nhưng cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn. Như vậy các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Việc này, theo ông Tuấn làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia.
Ngày 15.4, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4.2020. Trong đó nêu cụ thể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài Chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hai Bộ này có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18.4.