Đua nhau dời hạn thanh toán
Công ty CP Fuji Nutri Food (FNF), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đã dời kế hoạch dự kiến thanh toán lãi cho lô trái phiếu FNFCH2223001 phát hành tháng 8/2022. Cụ thể, ngày thanh toán lãi cho lô trái phiếu này theo kế hoạch là 12.2.2023 với số tiền hơn 25 tỉ đồng đã dời sang 20.2.2023.
Được biết, lô trái phiếu của FNF có khối lượng 1 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị huy động là 1.000 tỉ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn ngày 12.8.2023, áp dụng lãi cố định 10%/năm. Lô trái phiếu của FNF không áp dụng hoán đổi tự nguyện. Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành theo hình thức gửi thông báo bằng văn bản cho trái chủ hoặc khi xảy ra vi phạm theo quy định.
Tương tự, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã chứng khoán TDC) cũng vừa báo cáo lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700 đang ở trong trạng thái chậm thanh toán. TDC cho biết ngày 15.2.2023, công ty đã thanh toán 7 tỉ đồng và số tiền lãi chưa thanh toán là hơn 16,8 tỉ đồng.
Thời gian phải hoàn tất khoản thanh toán này là trước ngày 23.2.2023 nhưng TDC đã đưa ra phương án lùi thời gian thanh toán sang 1 tháng sau, bao gồm cả phần lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm trả tính đến ngày thanh toán.
Lý do chậm thanh toán tiền lãi trái phiếu mà công ty đưa ra là do tình hình bất động sản thời gian qua rất chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TDC vừa báo lỗ sau thuế 104 tỉ đồng trong quý IV vừa qua.
Trước đó, cũng có doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu như Công ty Hoàng Anh Gia Lai (302,8 tỉ đồng); Công ty CP Trung Nam (128,9 tỉ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (5,6 tỉ đồng); Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Định (10,1 tỉ đồng); Công ty TNHH Đức Việt (24,1 tỉ đồng)...

Nghị định 65 sửa đổi sắp mở ra chương mới
Bàn về những doanh nghiệp xin "khất" nợ gốc hay chây ỳ không thanh toán lãi cho nhà đầu tư, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc xếp hạng tín nhiệm tại FiinRatings - cho rằng điều này tùy vào việc doanh nghiệp làm việc với trái chủ. Bởi có những những người đồng thuận có người không đồng thuận, cần phải trao đổi cụ thể trong hội nghị trái chủ.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 mới đây có phần đề xuất doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Tuy nhiên nhiều trái chủ lại lo ngại nhà phát hành gán nợ bằng những bất động sản đang xây dở dang hoặc ở vị trí xa xôi đã cho thấy sự bất cập.
Ông Khang nhấn mạnh: "Bên cạnh việc đả thông về thanh khoản cho doanh nghiệp, điều cấp thiết là cần hỗ trợ chính sách pháp lý liên quan đến dự án đang triển khai dở dang. Đây là cơ sở để cả trái chủ lẫn tổ chức phát hành có cơ sở để làm việc rõ ràng hơn đối với người nắm giữ trái phiếu".
Bên cạnh đó, với những đề xuất như ngưng hiệu lực thi hành với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm, hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đều được ông Khang hoan nghênh. Điều này sẽ giúp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường giai đoạn này và hỗ trợ để doanh nghiệp có thể xoay xở trong điều kiện thị trường khó khăn chung.