Trung Quốc là thị trường thương mại gỗ quan trọng của Việt Nam
Theo ông Cao Chí Công - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), xuất khẩu gỗ và lâm sản 5 tháng đầu năm đạt gần 7,7 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỉ USD; tăng 6,9%; mây, tre, cói thảm tăng 19,1%.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 10-12% tổng giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong đó, hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 sản phẩm, chủ yếu là gỗ dăm; khoảng 20% còn lại là sản phẩm gỗ (mã HS94).
Thống kê cho thấy, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc với hơn 20 sản phẩm và chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, dăm gỗ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn theo ông Nguyễn Vinh Quang – chuyên gia của Forest Trends, Trung Quốc là một trong năm thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 25 - 37% tổng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Giải pháp để xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại gỗ với Trung Quốc nhưng có một thực tế đáng lưu ý là, nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc của Việt Nam tăng nhanh hơn xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc. Thặng dư thương mại chủ yếu đến từ dăm gỗ.
“Việt Nam nhập khẩu hơn 20 sản phẩm từ Trung Quốc, nhưng chủ yếu là các sản phẩm thuộc HS44. Mã nhập khẩu HS44 và HS94 của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những năm qua. Trong đó, nhập khẩu HS44 từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nhập khẩu HS94 tính theo giá trị (nhập khẩu HS44 chiếm 65-88% trong tổng số)” – ông Nguyễn Quang Vinh nêu thực tế.
TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends cũng nhấn mạnh: Mặc dù quy mô thương mại gỗ 2 nước rất lớn nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp gỗ Việt Nam về quy định thị trường và động lực phát triển thị trường Trung Quốc trong tương lai còn khiêm tốn và ở chiều ngược lại các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng chưa có nhiều hiểu biết về luồng cung gỗ ở Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng hiệp hội gỗ hai nước sẽ có những hợp tác để cùng nhau đóng góp cho sự bền vững cho ngành gỗ hai quốc gia" - TS Tô Xuân Phúc nói.
Mới đây, tại hội thảo trực tuyến Thương mại Gỗ Việt Nam - Trung Quốc, bà Hải Linh - Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Trung Quốc - cũng khẳng định: Việt Nam là thị trường quan trọng của ngành gỗ Trung Quốc. Để xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng 8 điểm khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc, là: Giấy chứng nhận CITES, giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, vận đơn, hợp đồng, hóa đơn, danh sách đóng gói, lô hàng đường biển.
Theo VIFOREST, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kim ngạch 14 tỉ USD trong năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt giá trị 1,49 tỉ USD với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, năm 2021, Việt Nam chi hơn 2,5 tỉ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,1 tỉ USD với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp tham gia.