"Học sinh làm bài tập luôn vào SGK có thể do giáo viên chưa truyền đạt kỹ"
Cho bài tập vào SGK để học sinh làm bài tập luôn vào trong sách, khiến sách không tái sử dụng được. Dư luận cho rằng đây là chiêu trò nhằm tận thu từ sách giáo khoa. NXB có phản hồi gì về điều này thưa ông?
- Hiện nay trong SGK hiện hành đúng là có đưa một số bài mẫu theo phương pháp trắc nghiệm. Đó là các dạng bài: Điền vào chỗ trống, khoanh nối, lựa chọn đúng hay sai…
Về cơ bản, sách giáo khoa không thiết kế để học sinh viết vào sách. Tuy nhiên ở sách giáo khoa môn này môn kia, lớp này lớp khác có những bài tập với lệnh điền / viết / nối… Việc đưa một số bài tập như vậy trước hết do yêu cầu thuộc về chuyên môn, đặc biệt với những môn đặc thù như môn Toán hoặc tiếng Anh.
Bên cạnh những bài tập tự luận, các tác giả sách giáo khoa đã đưa các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối… nhằm tăng cường hoạt động, kích thích tư duy học sinh.
Tuy nhiên, trong sách giáo viên đều đã có nội dung lưu ý giáo viên việc nhắc nhở học sinh không viết vào sách, hướng dẫn các em chép đề bài ra vở để làm. Việc học sinh làm bài tập luôn vào sách giáo khoa xảy ra là có thể do giáo viên chưa truyền đạt kỹ đến học sinh.
Nhiều nước trên thế giới, SGK của họ cũng đưa các dạng bài tập như vậy, chẳng hạn như Úc, Singapore, hay Trung Quốc… Ở Việt Nam, các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989, sách Toán xuất bản giai đoạn 1990-2002 đều có các dạng câu hỏi, bài tập như trên.
Chúng tôi cũng không tự ý sửa sách, hay tự ý cho bài tập vào SGK, mà đều phải được Hội đồng thẩm định của Bộ GDĐT thông qua.
Dù đã có khuyến cáo không viết vào sách nhưng hằng năm NXB vẫn phát hành mới hàng trăm triệu bản SGK vì sách cũ không thể tái sử dụng. Dư luận xã hội cho rằng đó là lãng phí, không cần thiết?
- Hiện nay, tính trung bình mỗi học sinh sử dụng 10,5 cuốn SGK. Năm học 2018-2019 có khoảng gần 17 triệu học sinh, nếu tất cả học sinh đều sử dụng sách mới thì số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản.
Trong khi đó, năm 2018, số lượng SGK được NXB phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là sử dụng SGK cũ.
Cũng cần nói thêm rằng với chúng tôi, làm SGK là một nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như thông tin dư luận. Thậm chí, mỗi năm NXB Giáo dục còn bị lỗ trên dưới 40 tỉ từ việc in và phát hành SGK.
Sách giáo khoa và chuyện “bán bia kèm mồi”Nhiều phụ huynh lại nêu ý kiến cho rằng, dù SGK rất rẻ, nhưng phải mua kèm quá nhiều sách tham khảo, hay nói cách khác là tình trạng “bán bia kèm mồi”. Ví dụ SGK lớp 1 chỉ có 6 cuốn chưa tới 50.000 đồng, nhưng thực tế khi đi mua sách phụ huynh phải mua trọn bộ khoảng 27 cuốn gần 400.000 đồng. Ông nói gì về chuyện này?
- Chúng tôi rất chia sẻ với phụ huynh thực trạng đó. Hiện SGK chỉ có 168 đầu sách, còn sách tham khảo lên tới hàng ngàn đầu sách. Tuy nhiên sách tham khảo không chỉ có sách của NXB Giáo dục Việt Nam mà còn có nhiều nhà xuất bản khác cùng cạnh tranh mảng này.
Hằng năm, trước mùa khai giảng chúng tôi đều yêu cầu các đại lý, nhà sách thuộc hệ thống phát hành của NXB Giáo dục phải công khai giá bán sách, cũng như danh mục SGK để phụ huynh, học sinh được biết.
Còn sách tham khảo, có thể có sách của các nhà xuất bản khác cũng tìm cách đưa vào trường học để bán cho phụ huynh mà cố tình không giải thích rõ rằng đây là sách không bắt buộc. Việc mua sách tham khảo là quyền của phụ huynh.
Nhưng phụ huynh phản ánh họ không có quyền chọn sách. Các nhà sách đều bán theo bộ. Như bộ lớp 1, lớp 2, nếu đăng ký qua kênh phát hành trong nhà trường, số tiền phải bỏ ra để mua sách cũng rất lớn.
Nhiều người cho rằng NXB đưa ra mức chiết khấu rất cao cho các cơ sở giáo dục, để đưa SGK kèm nhiều sách tham khảo vào trường học. Có hay không việc biến các trường học thành một kênh phát hành sách đầy chiến lược, thưa ông?
- NXB Giáo dục chỉ phát hành sách thông qua hệ thống các công ty sách và thiết bị trường học ở mỗi tỉnh thành. Chúng tôi không thực hiện phát hành trực tiếp tới nhà trường. Còn các doanh nghiệp đó có vì lợi nhuận mà triển khai hay không chúng tôi không thể nắm được vì không quản lý họ.
Mặt khác, mảng sách tham khảo có hàng chục NXB khác cũng làm và họ cũng tìm cách đưa vào trường học.
“Chúng tôi rất vất vả để bù đắp khoản lỗ do SGK gây ra”
NXB Giáo dục chịu lỗ từ hoạt động phát hành SGK, nhưng tổng lợi nhuận vẫn tăng vọt trong giai đoạn 2015-2017, từ 32 tỉ lên 150,8 tỉ đồng, doanh thu mỗi năm luôn trên 1000 tỉ. Lợi nhuận đến từ đâu thưa ông?
- Do Luật quy định “một chương trình một bộ SGK” và NXB Giáo dục đang được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ cung cấp đủ số lượng sách cho toàn bộ học sinh trong nước. Nên việc biên soạn, phát hành SGK là nhiệm vụ chính trị quan trọng của NXB Giáo dục được giao phó chứ chúng tôi không muốn giữ thị phần lớn để mang tiếng độc quyền.
Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay SGK không được điều chỉnh giá, vật tư in sách thì tăng theo mỗi năm. Điều này khiến NXB chịu lỗ từ mảng phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng và phải bù đắp bằng các nguồn thu khác, như sách tham khảo, sách bổ trợ, cho thuê bất động sản…
Kiểm toán Nhà nước cũng đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỉ đồng.
Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập, với số liệu như sau: Doanh thu SGK là 703,9 tỉ đồng, lỗ 38,14 tỉ đồng.
Để dư luận hiểu nhầm nhiều ngày nay chúng tôi rất buồn. Sau đợt này, NXB cũng sẽ rút kinh nghiệm, tuyên truyền sâu rộng hơn để giúp phụ huynh phân biệt đâu là SGK, đâu là sách tham khảo, để không bị mua phải những sách không cần thiết.
Cảm ơn ông vì đã chia sẻ các thông tin này!