Nghề truyền thống hơn 200 năm
Tìm về xóm nhỏ ven Quốc lộ 1A vào ngày cuối năm, những ngôi nhà san sát nằm im lìm dưới ánh nắng. Mùi trầm, quế cứ thoang thoảng đôi lúc lại xộc vào đầu mũi.
Anh Võ Văn Thành, tổ 11, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã làm cái nghề hương này hơn 40 năm, dẫu có nhiều vất vả nhưng anh vẫn thấy yêu cái nghề này vô cùng.
Từ những ngày đầu còn se hương bằng tay, cơ sở của anh Thành sản xuất được hơn 100kg hương mỗi ngày, chính cái nghề này đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân ở đây.
Nghề hương được làm quanh năm và bắt đầu làm nhiều để phục vụ dịp tết vào những tháng 10, 11 âm lịch. Có những ngày họ phải làm ngày làm đêm để kịp cho chuyến hàng cuối năm.
“Để làm ra một sản phẩm có chất lượng tốt thì chất lượng bột là điều quan trọng nhất. Bột quế, trầm… phải được lấy từ những thân cây gỗ xốp, mềm và không thấm nước thì mới có được mùi hương mong muốn”, anh Võ văn Thành nói.
Làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương đã có lịch sử hơn 200 năm. Người dân ở đây sống bao đời cũng nhờ vào nghề làm hương, vì vậy họ trân quý và yêu cái nghề này lắm.
Với anh Võ Ngọc Anh, tổ 11, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã nuôi 4 đứa con của mình được ăn học thành tài chính vào cái nghề làm hương này.
Cơ sở của anh Anh sản xuất với quy mô vừa nhưng đầy đủ các loại nào trầm, nào quế, huỳnh đàn, trám, mai…. Tất tần tật đều được sản xuất một cách tỉ mỉ.
“Bao đời nay rồi, nghề hương như thấm vào da và thịt chúng tôi, mùi hương quế trầm đã theo chúng tôi từ khi còn nhỏ. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên cũng phần nào đỡ vất vả. Nhớ những ngày còn làm bằng tay, phải trắng đêm mới đủ hàng để xuất vào cuối năm”, anh Anh bộc bạch.
Các loại chân tăm được sử dụng để làm hương đều được lựa chọn từ loại tre la ngà ở phía bắc, bền, chắc sau đó ngâm với phẩm màu rồi phơi khô.
Để tăng độ kết dính cho hương, các hộ dân ở đây phải thêm bột của vỏ cây bời lời từ vùng Gia Lai sau đó đem đi phơi khô và đóng thành sản phẩm vận chuyển đi khắp các tỉnh thành.
Hướng đi mới cho làng nghề truyền thống
Gia đình ông Võ Tấn Hiếu đã trải qua ba đời làm nghề se hương vì vậy ông hiểu được đây không chỉ là một nghề để kiếm sống mà còn là một nét đẹp văn hóa có truyền thống lâu đời của người dân Quảng Nam.
Cơ sở sản xuất hương của ông Hiếu đã được đăng ký tên bảng hiệu là “Tấn Hiếu” với mong muốn có thể đưa sản phẩm hương truyền thống đi đến khắp mọi nơi.
Mỗi ngày, cơ sở của ông Hiếu có thể sản xuất hơn 120kg hương, đặc biệt vào dịp tết cơ sở này có thể sản xuất được 150kg-200kg hương.
Trong những tháng cuối năm này, vợ chồng ông Hiếu phải luôn tay đóng gói, vận chuyển hương đi khắp nơi để kịp phục vụ cho người dân.
“Làm cái nghề này vất vả vậy đó chứ nghỉ một ngày là lại thấy thiếu, mùi hương này chúng tôi đã được hít thở từ rất lâu rồi, như bữa cơm hằng ngày của chúng tôi vậy đó”, ông Võ Tấn Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, những các hộ dân ở làng hương truyền thống Quán Hương này lại không sản xuất ào ạt mà chỉ sản xuất theo các đơn hàng để tránh cho hương bị ẩm, mốc.
Hiện có khoảng khoảng 200 hộ dân tham gia làm hương. Bình quân mỗi hộ sản xuất 100 tấn hương/năm.
“Trong dịp tết này, có hơn 50 máy phục vụ sản xuất nên sản lượng hương tăng mạnh, đầu ra cũng ổn định nên hầu hết các hộ dân đều yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Văn Gia, Trưởng làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương cho biết.
Không những vậy, làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương còn mở cửa đón các đoàn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm thực tế các công đoạn làm hương, mở ra một hướng đi mới cho làng nghề hơn 200 năm này.