Sáng 6.11, thông tin từ Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa có báo cáo về tình hình thực hiên Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đánh giá, qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tính từ năm 2020 đến nay, tổng số vốn đăng ký 996,3 tỉ đồng (tương đương 43,1 triệu USD). Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 4 dự án FDI với tổng vốn đãng ký đầu tư là 278,44 tỉ đồng (tương đương 12,04 triệu USD), trên quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 14,42ha.
Như vậy, lũy kế đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có 98 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với vốn đăng ký đầu tư lên đến 12.567 tỉ đồng, trên quy mô diện tích khoảng 2.231,52ha.
Hiện nay, có 22 dự án FDI hoạt động trong khu công nghiệp, 76 dự án FDI hoạt động ngoài khu công nghiệp. Tổng số vốn thực hiện bình quân năm 2020, 2021, 2022 ước đạt 20,5 triệu USD/năm, đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 18-23 triệu USD).
Quá trình đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp đều hướng đến sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, áp dụng vào các quy trình sản xuất với nhiều mức độ khác nhau. Việc này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Điều đáng phấn khởi là môi trường đầu tư của tỉnh từng bước được cải thiện tích cực. Đến nay, số doanh nghiệp còn pháp nhân trên địa bàn tỉnh là 12.294 doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng được gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thu hút đầu tư thời gian qua còn một số hạn chế như chưa thu hút đuợc các dự án có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Vẫn còn có một số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi truờng. Một số doanh nghiệp chậm triển khai dự án, sử dụng đất đuợc thuê chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí về đất đai. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vẫn có những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, hàng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt những kiến nghị, vướng mắc.
Trong những lần tổ chức đối thoại, các góp ý của doanh nghiệp đều được các cơ quan Nhà nước lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc. Từ đó, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều thay đổi trong quy trình, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, sau mỗi hội nghị đối thoại, UBND tỉnh chỉ đạo và giám sát các sở, ngành trong việc thực hiện kết luận đối thoại…