Ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian qua nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã áp dụng mức lãi suất khá cao để thu hút nhà đầu tư. Có doanh nghiệp niêm yết lãi suất lên đến 10-14%, cao gấp đôi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay.
Theo ghi nhận, bất động sản là nhóm doanh nghiệp có lãi suất cao nhất, lên đến 10-14/năm. Điển hình, Công ty Cổ phần North Star Holdings lãi suất một lô trái phiếu ở mức 14%/năm; các lô trái phiếu của Khải Hoàn Land có lãi suất cao nhất lên đến 13,5%…
Nhìn chung, lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản phát hành khá hấp dẫn cho các kỳ đầu, các kỳ sau thường ở mức 4-4,5% cộng với trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng của nhóm ngân hàng Big 4…
Nhóm các công ty chứng khoán cũng phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 8-9,5%. Điển hình như Chứng khoán Dầu khí (8,9%), Chứng khoán Bảo Minh (9,5%), Chứng khoán Rồng Việt (8%)…
Ngược lại, lãi suất trái phiếu ngân hàng bình quân ở mức khoảng 4 - 6%/năm, khá thấp so với mặt bằng lãi suất trái phiếu các nhóm ngành khác.
Ngoài ra, trái phiếu một số ngân hàng có mức lãi suất gần ở ngưỡng 8%/năm như Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBANK), lãi suất một số lô trái phiếu ở mức 7,47%, 7,8%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) lãi suất ở mức 7,2%/năm…
Dù đang mang lại lợi nhuận gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng, song kênh đầu tư này vẫn chưa sôi động trở lại. Thống kê trên HNX, tổng giá trị trái phiếu phát hành mới nửa đầu năm 2024 đạt 116.422 tỉ đồng. Trong khi vào năm trái phiếu đạt đỉnh (2021) toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 964 đợt phát hành trong nước với tổng giá trị đạt 595.000 tỉ đồng