Chênh lệch lãi suất VND - USD xuống thấp
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng mới công bố của Cty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết chênh lệch lãi suất VND-USD hiện đã xuống tương đối thấp, 0,6%/năm với kỳ hạn qua đêm.
“Nhiều khả năng lãi suất VND trên liên ngân hàng sẽ được giữ trong vùng 3,3-3,5%/năm để đảm bảo lớn hơn lãi suất USD khoảng 0,8-1%/năm”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI nhận định.
Đối với thị trường 1, lãi suất huy động vẫn khá ổn định ở mức 4,1%- 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Tuy nhiên, kỳ hạn 12,13 tháng ghi nhận sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, dao động trong vùng 6,4%-7,8%/năm.
“Lãi suất huy động ổn định ở mức hiện tại vì các NHTM cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay nhưng lãi suất cho vay với sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn.
Kế hoạch lợi nhuận 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018 trong khi số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các NHTM đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại 29 ngân hàng thương mại, trong tháng 6.2019, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên khoảng 8,5 -8,7%năm cho các kì hạn dài trên 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank với mức 8,7% cho kì hạn 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến.
Ở kì hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, chênh lệch lên tới 3%. Hai ngân hàng công bố lãi suất ngân hàng kì hạn 6 tháng cao nhất trong tháng 6.2019 là Nam A Bank và SCB ở mức 8%.
Từ kì hạn 12 tháng trở lên, sự phân hoá cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Có tới 11 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 8%/năm. Đứng đầu danh sách là VIB với mức lãi suất 8,6% (áp dụng cho khách hàng gửi kì hạn 12 tháng với số tiền gửi 500 tỉ đồng trở lên).
Mức chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 24 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Viet Capital Bank và TPBank cùng niêm yết ở mức 8,6%.