Cổ phiếu của Công ty cổ phần Licogi 14 (HNX: L14) tiếp tục là tâm điểm thị trường hôm nay (10.1) với phiên kịch trần thứ 5 liên tiếp. L14 hiện có giá 408.500 đồng/cổ phiếu, đắt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 111 tỉ đồng và hơn 46 tỉ lợi nhuận sau thuế, tăng 52% về doanh thu và tăng 84% về lợi nhuận. Công ty đã thực hiện được 64% mục tiêu doanh thu năm và vượt gần 66% chỉ tiêu lãi ròng.
P/E của L14 lên đến 169,82 lần, P/B là 17,9 lần, vượt xa các chỉ số tương tự của những doanh nghiệp địa ốc lớn như VHM, NVL, PDR, DXG, DIG.
Với hơn 350 triệu cổ phiếu được niêm yết trên sàn HNX, mã THD hiện có giá 266.000 đồng/cổ phiếu. Trong 1 năm qua, mã THD tăng hơn 116% giá trị.
Quý III/2021, THD ghi nhận doanh thu thuần 2.943,3 tỉ đồng, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động kinh doanh lại lỗ gần 70 tỉ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế xuống hơn 65 tỉ đồng.
Mới đây, bầu Thuỵ gây xôn xao khi thành lập Thaispace với tham vọng chinh phục vũ trụ. Ông trực tiếp góp 20.016 tỉ đồng, chiếm 75% vốn. Hai người con lớn là Nguyễn Ngọc Mỹ Anh và Nguyễn Xuân Thái, mỗi người góp 2.668 tỉ đồng, tương ứng 10% vốn. 5% còn lại do Công ty cổ phần Thaiholdings góp.
Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF) từng là cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán trong một thời gian dài trước khi bị L14 "soán ngôi". Chốt phiên 10.1, mỗi cổ phiếu VFC có giá 241.500 đồng.
VCF có cơ cấu cổ đông rất cô đặc. Masan Beverage hiện nắm giữ tới 98,79% cổ phần của công ty. Số cổ phần tự do không nhiều nên thanh khoản mỗi phiên giao dịch chỉ loanh quanh vài trăm đơn vị.
Đây cũng là doanh nghiệp có tỉ lệ trả cổ tức cao, gần đây nhất là chi tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ tới 250%.
Năm 2021 là một năm ảm đạm với VCF. Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến doanh thu thuần quý III/2021 giảm một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức thấp nhất trong năm 2021 là 72,16 tỉ đồng.
Cổ phần Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (HOSE: GAB) mới chỉ IPO từ năm 2020. Từ khi chào sàn ở mốc 8.600 đồng/cổ phiếu, GAB lập tức tăng "bốc đầu" lên vùng 200.000 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy 1 năm.
Sau đó, thị giá GAB không mấy thay đổi và dừng lại ở mức 196.200 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng chỉ đạt vài trăm đền vài nghìn đơn vị mỗi phiên. Đáng chú ý, chỉ số P/E của GAB lên tới 1.486,98 lần.
Trong quý III/2021, doanh thu thuần của GAB giảm hơn 38% so với cùng kỳ, xuống hơn 125 tỉ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức thấp khiến lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 20 tỉ đồng.
Góp mặt trong danh sách cổ phiếu "đắt sắt ra miếng" còn có NTC (209.800 đồng/cổ phiếu); WCS (188.000 đồng/cổ phiếu); SLS (158.000 đồng/cổ phiếu); MSN (153.600 đồng/cổ phiếu); SCS (153.200 đồng/cổ phiếu); SAB (151.500 đồng/cổ phiếu)...