Vốn FDI cao kỷ lục trong vòng 5 năm gần đây
Là tỉnh tiên phong trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút FDI được giao của cả nhiệm kỳ 2021- 2025 dù mới đến tháng 6.2024 (đạt 12,56 tỉ USD/12,5 tỉ USD theo kế hoạch).
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố thu hút 67 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 722 triệu USD. Tiêu biểu là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Hàn Quốc diễn ra hồi tháng 4, TP Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư cho 8 dự án, tương ứng gần 400 triệu USD.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20.6.2024, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
TS Vũ Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - dẫn số liệu về việc làm trong các doanh nghiệp FDI 6 tháng đầu năm tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông cho rằng, những con số trên cho thấy FDI, dòng tiền từ Trung Quốc và các nước phương Tây sẽ tạo ra một cú huých rất lớn, mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam từ nay và trong 10 năm tới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam vẫn có nhiều hấp lực đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Ông khẳng định: “Qua khảo sát của Bộ KHĐT, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023”.
“Điều tra của Bộ KHĐT thấy rằng, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam” - Thứ trưởng Phương tin tưởng.
Xu hướng FDI sẽ tiếp tục được củng cố và là điểm sáng
Nhìn vào bức tranh thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua, ThS Nguyễn Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ NTP - cho rằng, bao hàm những nguyên nhân như ổn định kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, trình độ lao động, thuế, chi phí, khả năng tiếp cận quỹ đất. Theo đó, về góc độ hiệp định thương mại, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại toàn diện với các cường quốc trên thế giới. Về thuê đất khu công nghiệp của Việt Nam, giá đang tăng khá nhanh, đặc biệt ở phía Nam có nhiều khu ở mức 250 USD/m2/năm hoặc cao hơn.
Những yếu tố có thể cạnh tranh, ông Hiếu chỉ ra là chi phí xây dựng và lương sản xuất tương đối thấp, giá điện phù hợp. Hạ tầng cũng tiếp tục được hoàn thiện để đón đầu.
“Với những gì chúng ta đang có trên, xu hướng FDI sẽ tiếp tục được củng cố và là điểm sáng của kinh tế vĩ mô Việt Nam. FDI đóng góp tương đối lớn vào giá trị xuất nhập khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực trong thương mại nước ta có dấu ấn của dòng vốn này. Trung tâm FDI tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh thành với nhà đầu tư Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn” - ông Hiếu kỳ vọng.