Evergrande hiện nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2.800 dự án tại hơn 310 thành phố. Ngoài ra, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: Ôtô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình và cả công viên chủ đề.
Hiện Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đang sụp đổ dưới sức nặng của "quả bom nợ" hơn 300 tỉ USD. Công ty này đã nhiều lần bị cảnh báo có thể vỡ nợ.
Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) của Evergrande lao dốc không phanh, mất đến 80% giá trị trong thời gian ngắn. Những tuần qua, giao dịch trái phiếu của công ty cũng liên tục bị dừng trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc.
Ngân hàng HSBC và Standard Chartered ở Hong Kong đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người mua tại dự án Evergrande chưa hoàn thành. Các tổ chức đánh giá tín nhiệm gần đây cũng liên tục hạ điểm của Evergrande do những vấn đề về thanh khoản của công ty này.
Tình hình tài chính của các nhà phát triển địa ốc khác tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các quy tắc do chính phủ nước này vạch ra để kiềm chế chi phí đi vay của các công ty bất động sản. Các biện pháp bao gồm đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của công ty.
Jenny Zeng - Trưởng bộ phận thu nhập cố định Châu Á tại Công ty quản lý tài sản AllianceBerntein - cảnh báo về hiệu ứng domino sau sự sụp đổ tiềm tàng của Evergrande.
Bà Zeng cho biết, so với Evegrande, các nhà phát triển địa ốc khác đang gặp khó khăn chiếm khoảng 10% - 15% tổng thị trường. Bà cảnh báo rằng, sự sụp này như hiệu ứng domino, lan tỏa sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
"Các rủi ro tài chính hoặc xã hội liên quan trực tiếp đến Evergrande thực sự có thể kiểm soát được một cách hợp lý. Sự phân mảnh của thị trường bất động sản Trung Quốc là lý do đằng sau điều này.
Bất chấp quy mô của Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc, có thể là lớn nhất trên thế giới thì vẫn chỉ chiếm 4% và thậm chí còn nhỏ hơn so với toàn bộ thị trường. Đặc biệt, các khoản nợ, nhất là nợ trong nước đều được thế chấp tốt" - bà nói thêm.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành “thời điểm Lehman” của Trung Quốc. Điều này ám chỉ đến vụ việc Lehman Brothers phá sản, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, Simon MacAdam của tờ Capital Economics lại có quan điểm trái ngược. MacAdam cho hay: “Thực tế, Evergrande vỡ nợ trong kiểm soát hay "lộn xộn" sẽ đều gây một số bất ổn thị trường chứ không tác động quá mạnh mẽ đến toàn cầu như nhiều thông tin khác.
Cho dù đây là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc nhưng theo chúng tôi, sai lầm trong chính sách mới có thể khiến nền kinh tế nước này giảm tốc mạnh".