Sáng ngày 1.4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, cuối năm 2022, đầu năm 2023, thành phố đã dự tính được năm 2023 có nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng sự thật thành phố không ngờ đến là các chỉ số thấp ở mức sâu như thế.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, sau "cơn bạo bệnh" của năm 2021, thành phố đã bật dậy rất vững mạnh, đem lại nhiều kết quả trong năm 2022. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại tiếp tục "quằn quại" trở lại. “Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả trên là hậu quả của một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ còn để lại” – ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ví von một năm có 4 quý cũng giống như 4 trận đấu trong bóng đá. Trận đầu thành phố dự tính thủ hòa, nhưng lại bị thua đậm. Do đó, các trận còn lại phải nỗ lực bù lại số điểm bị mất, bàn thua của quý I để vào chung kết.
“Do đó, từng ngành, từng lĩnh vực cần xem lại mình một cách khách quan, nghiêm túc để đề ra việc cần làm cho quý II, những quý còn lại của năm và những năm còn lại của nhiệm kỳ” – ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - thẳng thắn chỉ ra 3 nguyên nhân khiến kết quả tăng trưởng quý I/2023 của TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ”.
Thứ nhất, thành phố giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỉ đồng, đạt 2,2% trong tổng vốn được giao. “Như vậy thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế” – ông Lịch nói.
Thứ 2, công cụ hấp thụ vốn thành phố cũng không thực hiện tốt. Theo TS Trần Du Lịch, trước đó ông đã đề xuất tất cả dự án về hấp thụ vốn từ đầu tư công, đầu tư tư nhân, dự án tồn động phải công khai minh bạch, cái nào làm, không làm. Nhưng đến nay vẫn vậy khi có hàng trăm dự án, hồ sơ tồn đọng.
“Tuần trước tôi gặp 40 doanh nghiệp ngành xây dựng họ nói rằng thành phố này không có gì để làm hết, mọi thứ đứng tại chỗ” – ông Lịch dẫn chứng.
Nguyên nhân thứ 3 là công cụ phát triển thị trường nội địa cũng chưa được thành phố phát huy. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý I chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong khi cả nước tăng trưởng hơn 10%. “Chưa bao giờ doanh thu thị trường nội địa của thành phố chỉ tăng trưởng bằng 1/3 cả nước” – ông Lịch nói.
TS Trần Du Lịch cho rằng, sắp tới TP Hồ Chí Minh phải gỡ tất cả để cho vốn vào thị trường, công khai minh bạch toàn bộ vấn đề để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. "Khi doanh nghiệp có niềm tin thì kinh tế sẽ phát triển" - ông Lịch nói.