Hàng hiệu có giá vài chục nghìn đồng
Tìm hiểu của PV Lao Động ngày 24.7 cho thấy, hình thức bán hàng trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... đang ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng.
Điều đáng lo ngại, việc buôn bán, kinh doanh trực tiếp qua các nền tảng này đang ngày càng khó kiểm soát khi có không ít tiểu thương vì lợi nhuận nên đã kinh doanh hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình tìm kiếm nguồn túi xách hàng hiệu giá rẻ, phóng viên Báo Lao Động đã liên lạc với một tài khoản Facebook tên L.Q - chuyên cung cấp nguồn túi hiệu sỉ lẻ online ở Hà Nội.
Trên trang Facebook cá nhân, tài khoản này liên tục livestream theo giờ, rao bán hàng loạt sản phẩm túi hàng hiệu như Dior, Chanel, YSL... với mức giá chỉ dao động từ 45.000 - 99.000 đồng nếu khách hàng nhập với số lượng lớn.
Chị L.Q tư vấn, hiện kho hàng túi xách bên chị có sẵn số lượng lớn, đủ màu, đủ chủng loại. Đặc biệt, sản phẩm có mức giá cực "mềm" nên kinh doanh không lo bị lỗ vốn, nhiều người khi nhập hàng tại đây có thể bán đổ đống, bán buôn ở các chợ truyền thống.
"Một số túi hàng hiệu như Chanel, Hermès, LV... bên tôi đang bán với giá 99.000 đồng, chất da mềm có thể bán kèm trong các shop, cửa hàng thời trang. Hiện trong kho mình vẫn đang còn hơn 1.000 sản phẩm đủ mẫu mã, hàng hiệu F1, F2 cũng có" - chị L.Q nói.
Không chỉ mặt hàng túi xách, theo chị Lê Thị Hoa (SN 1995, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhiều mặt hàng như trang sức, phụ kiện làm giả thương hiệu nổi tiếng như Christian Dior, Cartier... đang được các tiểu thương kinh doanh, buôn bán trên mạng xã hội Facebook, TikTok... với mức giá chỉ từ 80.000 - 150.000 đồng/bộ.
Trong khi đó thực tế, mỗi bộ sưu tập của thương hiệu này luôn có giá bán thực dao động từ 3.000 - 4.000 USD (tương đương 69 - 100 triệu đồng/sản phẩm).
Hàng giả, hàng nhái thương hiệu diễn biến phức tạp
Tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội - nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2023 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là vào dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023...
Đây cũng là khoảng thời gian để các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là hoạt động kinh doanh hàng hoá qua thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cần tăng cường công tác phối hợp, xử lý.
Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, thời trang, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại...