Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thông qua công tác kiểm toán hằng năm, KTNN đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Các đánh giá, kiến nghị của KTNN đã hỗ trợ NHNN trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của NHNN, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
NHNN cho rằng, qua kiểm toán báo cáo tài chính, KTNN đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao hoạt động của các đơn vị thuộc NHNN. Hoạt động kiểm toán của KTNN không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của NHNN trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định nền kinh tế. Đồng thời, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, các nhóm kiến nghị chủ yếu đã được KTNN đưa ra, như: kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, KTNN đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của NHNN, như: công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho NHNN và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Kết quả kiểm toán cũng đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ của NHNN. Thực hiện những kiến nghị của KTNN, NHNN đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ (KTNB), ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để khẳng định vai trò giúp phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Do đó, hiệu quả hoạt động kiếm soát nội bộ, KTNB NHNN ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo cho các đơn vị trong hệ thống NHNN hoạt động đúng hành lang pháp luật, an toàn và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động kiểm toán của KTNN giúp các tổ chức tín dụng xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa. Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của KTNN về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các TCTD tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp.
Có thể nói, KTNN để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của NHNN. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng một cách tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.