Nhiều mặt hàng tăng giá
Vẫn đi ăn quán bún thân thuộc gần 3 năm nay, anh Phan Anh (quận Long Biên, Hà Nội) bất ngờ khi chủ quán thông báo sẽ tăng thêm 5.000 đồng lên 50.000 đồng/bát từ ngày 1.8 sắp tới. Anh được nghe lý do là giá nguyên liệu trong thời gian qua tăng mạnh, cộng với giá nhập bún đầu vào cũng rục rịch nâng lên khiến giá một bát bún không thể giữ như ngày xưa.
Anh thở dài cho biết: "Tôi đi chợ mỗi ngày mà thấy mặt hàng này tăng kéo theo cái khác cũng tăng theo. Ví dụ can dầu ăn vẫn mua đã tăng giá từ 140.000 đồng lên hơn 150.000 đồng/5 lít, gạo rồi mì tôm đi mua cũng tăng thêm một hai chục nghìn. Chi tiêu một tháng phải co kéo lại rất nhiều".
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân - nhận thấy xu hướng tăng giá đang hiện hữu từ quý II/2024.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7.2024 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12.2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7.2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, việc duy trì mức lãi suất huy động thấp chỉ khoảng 4 - 4,5%/năm làm tăng lượng tiền trong lưu thông. Lượng du khách quốc tế tăng nhanh vào Việt Nam nhờ việc sửa đổi quan trọng chính sách cấp thị thực nhập cảnh còn góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, tạo khả năng tăng giá.
Bài toán điều hành giá trước áp lực lớn từ thế giới, khu vực
Để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhận thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan.
Theo đó, về phía Nhà nước, cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết. Hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu. Tăng cường hiệu năng quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp...
"Với doanh nghiệp, cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn để tiết kiệm chi phí, khai thác mọi sự hỗ trợ để tiết kiệm chi phí. Với công chúng, cần ổn định tâm lý, không chạy theo tâm lý đám đông, không tự gây ra làn sóng đổ xô mua hàng hóa khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững" - ông nói.
TS Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - đề xuất tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách về lao động, tiền lương và quan hệ lao động trong cả khu vực công lẫn khu vực tư. Điều này sẽ góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động.
Nghiên cứu và sớm triển khai các nhóm chính sách, giải pháp về tiền lương đồng bộ với các giải pháp về tổ chức nhân sự, tăng năng suất lao động. Cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia nhằm góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả của chính sách cải cách tiền lương và nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.