Giá dầu lao dốc 7 phiên trong 10 ngày qua
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam - cho biết, giá dầu thế giới thời gian qua có những biến động nhanh, phức tạp. Theo đó, giá dầu tăng vọt hồi đầu tháng 4.2023 lên trên mức 80 USD/thùng, có phiên đạt 83 USD/thùng đối với dầu WTI và 87 USD/thùng đối với dầu Brent. Nguyên nhân khiến giá dầu thô tăng cao là bởi động thái bất ngờ cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+.
Tuy nhiên, trong 1 tuần qua, giá dầu có tới 3 phiên giảm mạnh hơn 2%, xoá sạch mức tăng đột biến hồi đầu tháng 4. Giá dầu đã giảm tổng cộng hơn 7% trong 10 ngày qua.
"Lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu là nguyên nhân chủ đạo khiến giá dầu thế giới lao dốc trong các phiên gần đây" - ông Phạm Quang Anh nhận định, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ hạ nhiệt đáng kể, nhưng lạm phát lõi dường như không nhúc nhích và mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn là chặng đường dài.
Cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô sẽ ổn định
Nhận định về giá dầu trong thời gian tới, ông Phạm Quang Anh cho rằng, hiện tại, các yếu tố lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã không còn tạo được nhiều tính bất ngờ. Do đó triển vọng kinh tế vĩ mô và bài toán tiêu thụ được đánh giá có tác động mạnh tới xu hướng giá dầu trong giai đoạn tới.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), mặc dù nguồn cung từ nhóm OPEC+ sẽ có xu hướng giảm, nhưng sự gia tăng sản lượng tại Mỹ và các nước ngoài OPEC sẽ bù đắp một phần thiếu hụt. Sản lượng dầu thô tại Mỹ đang ở khoảng 12,3 triệu thùng/ngày, theo báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4.2020.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam đánh giá cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô sẽ khá ổn định trong giai đoạn tới. Giá dầu thế giới, mặc dù khó rơi xuống dưới 70 USD/thùng như hồi giữa tháng 3.2023, do nguồn cung thu hẹp, nhưng tiêu thụ ở mức phù hợp với nguồn cung cũng khiến cho cung - cầu đảm bảo hơn. Giá dầu có thể sẽ duy trì vùng giá 70 - 80 USD/thùng trong vài tuần tới.
Khi giá dầu thế giới xác lập vùng giá ổn định, thị trường xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều hành ổn định và hài hòa hơn. "Sự ổn định của giá xăng dầu trong giai đoạn tới cũng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, có quan hệ mật thiết với sự vận hành của các hoạt động kinh tế.
Thông thường, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá thành vận tải đường bộ, lên tới 35-40%. Giá nhiên liệu hạ nhiệt sẽ giúp giá cước vận tải ổn định hơn, từ đó hỗ trợ công tác bình ổn giá cả hàng hoá trên thị trường" - ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới và ít gặp các rủi ro tăng mạnh sẽ góp phần ổn định lạm phát, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2023 giảm 0,23% so với tháng trước.
Ưu tiên giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Trong ngắn hạn, giá dầu trên thế giới dự kiến sẽ ít có sự biến động mạnh như năm ngoái, giá xăng dầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bình ổn, góp phần thực hiện hoá nhiệm vụ quan trọng này.