Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Khơi dậy nội lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Ngô Cường thực hiện |

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh nói chung, không phải không có cơ hội. Đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam xây dựng được nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.

Dịch COVID-19 là phép thử "sức khỏe" ngành Công Thương

Bộ trưởng đánh giá thế nào về những tác động của dịch COVID-19 đến các ngành kinh tế của Việt Nam, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực mà ngành Công Thương đang quản lý?

- Tôi cho rằng, bên cạnh tác động lớn nhất của dịch COVID-19 đến sức khỏe, tâm lý cộng đồng, dịch này cũng đã tác động rất nhanh và trực tiếp đến các mặt của kinh tế Việt Nam, như xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải, thị trường chứng khoán, thương mại nội địa, du lịch, sản xuất. Về phía ngành Công Thương, tác động cụ thể tới các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

Về xuất nhập khẩu, hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 1,8 tỉ USD. Kết quả này cho thấy, hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ” như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Tuy nhiên, với tác động của dịch bệnh, hầu hết sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc từng bước được tháo gỡ.

Những ngành hàng bị tác động trực tiếp bởi COVID-19 có rau quả, thủy sản, cao su. Bên cạnh đó, những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm có cà phê, hạt điều - do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này.

Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 929.000 tấn, giá trị kim ngạch 430 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và 39,4% về giá trị. Điều này được xem có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19.

Về nhập khẩu, kim ngạch 2 tháng đầu năm đạt 37,2 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu tổng cộng 734,7 triệu USD nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,7%).

Về sản xuất công nghiệp, hầu hết ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất (IIP) 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về thương mại nội địa, do tâm lý lo ngại bị ảnh hưởng lây bệnh, cùng với đó là việc tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng, người dân chủ động giảm các hoạt động đi lại, ăn uống, hạn chế đến những nơi tập trung đông người nên sức mua tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống giảm.

Những giải pháp cụ thể được đưa ra như thế nào để vượt qua những thách thức do tác động của dịch COVID-19, thưa bộ trưởng?

- Chúng tôi đã triển khai thực hiện việc ứng phó với dịch COVID-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Với tinh thần không chủ quan với dịch, các giải pháp đã được Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt và đã có những kết quả tích cực.

Về khơi thông cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1.2020, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía Trung Quốc. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu của ta từ chỗ bị ù ứ với khối lượng lớn, đến nay đã cơ bản thông suốt.

Về tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai từ rất sớm việc này theo hướng: Một mặt, chỉ đạo hệ thống thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rà soát, tìm hiểu thông tin các thị trường có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành sản xuất trong nước, cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường đó.

Bộ cũng chỉ đạo tìm kiếm nguồn cung thay thế ở ngay thị trường trong nước để kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu, giải tỏa khó khăn từ nguồn nhập khẩu. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong vấn đề tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu thay thế, cũng như chủ động trong các phương thức vận chuyển đối với các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn.

Theo đó, hầu hết hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Các hệ thống phân phối trong nước như Big C, Lotte, Coopmart… đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình, chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc"

Thưa bộ trưởng, khi hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, hiệp định EVFTA được thông qua có ý nghĩa như thế nào ở thời điểm này?

- Công việc trước mắt của Bộ Công Thương là tập trung xử lý khẩn trương việc phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA. Cơ hội từ Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... là rất đáng kể, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các quý cuối năm.

Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Có ý kiến cho rằng, "cuộc chiến” với dịch COVID-19 cũng chính là phép thử để khẳng định bản lĩnh của Chính phủ, các bộ ngành về tinh thần kiên cường, vượt khó. Đặc biệt, trong thách thức luôn có cơ hội, biến nguy thành cơ để đổi mới, phát triển, cải cách thủ tục hành chính. Xin bộ trưởng cho biết, những hành động cụ thể nào mà Bộ Công Thương đang thực hiện để biến thách thức thành cơ hội?

- Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh nói chung, không phải không có cơ hội. Đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác; giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động.

Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong cả trước mắt và lâu dài; đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh.

Qua đó, xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương đã tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Cụ thể: Tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh hiệp định EVFTA được phê chuẩn.

Xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử.

Thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mền quản lý sản xuất, phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page.

Số hóa hệ thống thông tin về thị trường, triển khai xây dựng kế hoạch nâng cấp Cổng thương mại điện tử quốc gia; hệ thống thông tin xuất khẩu; triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.

Kết nối với các tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiên dùng tiếp cận với thương mại điện tử: Đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng đang rà soát các mức thu phí, lệ phí để báo cáo Chính phủ xem xét cắt giảm để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COIVD-19 đối với ngành, lĩnh vực quản lý.

Xin cám ơn bộ trưởng!

Ngô Cường thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi để thích ứng với va đập của thị trường

VƯƠNG TRẦN |

Để nền kinh tế không bị đổ gãy, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các địa phương cần phải nắm chắc và thực hiện theo tinh thần của Chính phủ đã yêu cầu.

Kịch bản đón đầu "vực dậy" phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19

VƯƠNG TRẦN |

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch COVID-19 kết thúc là rất cần thiết.

Sau dịch COVID-19, nhiều nước có thể sẽ cấu trúc lại nền kinh tế hướng nội

Thiên Bình |

Khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19, nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng theo, trong đó có Việt Nam. Bởi Trung Quốc đang đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Chuyển đổi để thích ứng với va đập của thị trường

VƯƠNG TRẦN |

Để nền kinh tế không bị đổ gãy, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các địa phương cần phải nắm chắc và thực hiện theo tinh thần của Chính phủ đã yêu cầu.

Kịch bản đón đầu "vực dậy" phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19

VƯƠNG TRẦN |

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch COVID-19 kết thúc là rất cần thiết.

Sau dịch COVID-19, nhiều nước có thể sẽ cấu trúc lại nền kinh tế hướng nội

Thiên Bình |

Khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19, nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng theo, trong đó có Việt Nam. Bởi Trung Quốc đang đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ.