Khó có nguy cơ suy thoái kinh tế theo “quỹ đạo” 10 năm!

NHÓM P.V |

Chứng khoán nóng rồi lạnh, bất động sản liên tục sốt ảo khiến dư luận ít nhiều lo lắng về nguy cơ “vỡ bong bóng” kinh tế, đặc biệt là nếu áp theo thuyết “chu kỳ 10 năm” sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1998, 10 năm sau là cuộc khủng hoảng 2008. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra suy thoái kinh tế nhưng cũng không thể chủ quan, ngay cả khi các chỉ số của nền kinh tế thời gian qua “khá đẹp”.

Thị trường chứng khoán, bất động sản hạ nhiệt

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 6.6, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - khẳng định “Chu kỳ” mà một số chuyên gia nêu ra là dựa trên tổng kết của thời gian dài vừa qua, khi nền kinh tế của ta chưa đủ sức và chưa có những cơ chế, thể chế mà Chính phủ đưa ra.

Nhưng nay đã có nhiều thay đổi, điều kiện sản xuất kinh doanh đã được cởi trói rất nhiều; nền kinh tế đã có những hướng tốt thể hiện kinh tế thị trường; sản xuất kinh doanh các doanh nhân và các DN đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kinh tế thị trường. Do đó, việc thành “quy luật 2008-2018” chỉ là những dự báo mang tính cảnh báo.

“Hiện nay chưa có hiện tượng của suy thoái này. Thứ nhất, bởi kinh tế đang có chiều hướng phát triển tốt, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế tạo, chế biến. Thứ hai, tổng mức bán lẻ và hàng hóa tiêu thụ đã tăng, nhu cầu tiêu dùng của Nhà nước và nhân dân đều tăng theo hướng có chất lượng.

Thứ ba, hoạt động của các DN đã sôi nổi, số lượng DN thành lập mới rất nhiều, thể hiện một hứng khởi cũng như điều kiện kinh doanh tốt. Thứ tư, các đơn hàng, đầu ra cũng đã được tháo gỡ, nông sản xuất khẩu tăng… Dù còn những khiếm khuyết nhưng hướng đó là tương đối tốt” - TS Lê Đình Ân nhấn mạnh.

Bình luận về hiện tượng thị trường chứng khoán nóng rồi lao dốc, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN - cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. VnIndex năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý I/2018 nên các nhà đầu tư đều có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm TTCK thế giới điều chỉnh giảm nên tác động cộng hưởng càng lớn.

Theo chuyên gia này, do tác động tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, cả NĐTNN và trong nước thời gian gần đây đều có xu hướng chốt lời đối với các cổ phiếu đã có mức tăng giá mạnh từ đầu năm, dè dặt trong giải ngân mới mà chờ đợi cơ hội thích hợp để tiếp tục đầu tư.

Tuy nhiên, với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VND) có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi TTCK; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Lê Anh Minh - Giám đốc phân tích, CTCK VPBS - cho rằng biến động trên thị trường CK chưa đáng lo ngại và đơn giản là dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài chưa rút khỏi Việt Nam mà họ cơ cấu lại để chuẩn bị vốn cho những deal lên sàn sắp tới. Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu blue chips đã tăng trong thời gian qua, nên không bất ngờ khi họ có hành động chốt lời để mua những mã họ cho rằng tiềm năng hơn.

Liên quan tới những cơn sốt ảo tại các xã ven dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) và tại các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và nguy cơ vỡ bong bóng thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia thừa nhận tác động tiêu cực.

Trả lời vấn đề trên với PV Lao Động, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng các địa phương có hiện tượng giá đất tăng cao chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật mà phần lớn giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời. Ông Châu khẳng định, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra “bong bóng” bất động sản như 2 cuộc khủng hoảng năm 2007 và năm 2010.

“Tuy nhiên, 2 yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản và chủ yếu xảy ra ở phân khúc đất nền, đất nông nghiệp và condotel, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời chứ không thể gây ra “bong bóng” trên toàn bộ thị trường. Cơn sốt giá ảo này cũng gây tác hại cho thị trường bất động sản, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, nhất là có thể gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường bị hạ nhiệt” - ông Châu nói thêm.

Cần có biện pháp đề phòng, tránh chủ quan

Mặc dù chưa xuất hiện chu kỳ suy thoái nhưng TS Lê Đình Ân cũng cần lưu ý các cảnh báo của các chuyên gia về vấn đề lạm phát. Dù hiện nay lượng tiền nhưng và tỉ lệ lạm phát thấp, muốn kìm lạm phát, Chính phủ cần kiềm chế tăng giá các mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu, y tế, giáo dục… “Việc kiềm chế giá của các mặt hàng, loại hình dịch vụ này trong tầm tay của Chính phủ, cần theo lộ trình và thời điểm thích hợp. Còn các vấn đề tiêu dùng, thì vẫn trong tầm kiểm soát, bởi lạm phát cơ bản (bằng tiền - PV) đang ở mức rất thấp” - TS Lê Đình Ân lưu ý.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi bên lề Quốc hội, ĐB Bùi Sỹ Lợi nhận định, quy luật kinh tế chịu nhiều tác động khách quan và chủ quan, đó là quy luật cứ sau 10 năm sẽ bắt đầu quá trình suy giảm. “Để tránh sự khủng hoảng không cần thiết, chúng ta phải có biện pháp chống đỡ để không rơi vào bi đát. Đương nhiên, vì khủng hoảng thế giới chúng ta có thể không tránh được nhưng về chủ quan chúng ta phải có biện pháp” - ông Lợi nói.

* Liên quan tới chuyện BĐS sốt ảo, ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản Cty Netland - cảnh báo cơn sốt đất xảy ra tại TPHCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và 3 đặc khu kinh tế (nếu QH thông qua) Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc đang rất nóng và riêng TPHCM và Đà Nẵng là 2 địa bàn xảy ra cơn sốt đầu tiên, nên nhìn chung giá đã đạt đỉnh.

Nhà đầu tư cũng trải qua nhiều cơn sốt, rút ra được bài học xương máu và trong cơn nhốn nháo sốt đất đó, các đại gia, nhà đầu cơ lớn bắt đầu rút khỏi thị trường, thì ngược lại nhà đầu tư nhỏ lẻ lại cố gắng lao vào. “Họ bất chấp đất ở đó có được mua bán chuyển nhượng hay không, có phù hợp với quy hoạch hay không. Tôi cho rằng việc mua bán đất thiếu tỉnh táo như vậy là rất nguy hiểm và đáng báo động” - chuyên gia này nhận định.

NHÓM P.V
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước

Thanh Hà |

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc sản gà Đông Tảo biếu Tết ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Thanh Hà |

Gà Đông Tảo đặc sản ở Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán đã xuất hiện trong bài báo của hãng tin AFP ngày 17.1.