Tỉ lệ giải ngân thấp do thiếu nhu cầu học nghề
Trên bình diện chung, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tốc độ hoàn thành nông thôn mới nhanh nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 chỉ đạt 42% (tính đến ngày 30.11).
Ông Trần Báu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, đối với vốn đầu tư phát triển, để thực hiện tiêu chí nước sạch theo Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Tĩnh đã trích 50% số vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương hỗ trợ để đầu tư 20 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn. Tuy nhiên, theo quy định, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ tối đa 75%, còn lại chủ yếu huy động đóng góp từ người dân đăng ký sử dụng nước sạch nên việc khảo sát nhu cầu, số lượng hộ dân đăng ký phải làm kỹ lưỡng, chặt chẽ nên mất nhiều thời gian dẫn đến chậm triển khai các dự án.
Với nguồn vốn bổ sung năm 2023 để thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở Trung ương giao muộn, cụ thể đến ngày 22.10.2023 mới giao nên địa phương cũng gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Đối với vốn sự nghiệp chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, quy trình thực hiện phải qua nhiều bước nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn.
Với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2022, 2023 chưa giải ngân được do nhu cầu học nghề của lao động hiện nay không nhiều. Ngoài ra, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chưa ban hành tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp nên chưa có cơ sở để rà soát, thực hiện hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG.
Cụ thể, giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khởi công đúng kế hoạch các công trình đã hoàn thành đấu thầu để đảm bảo giải ngân nguồn vốn năm 2022 trước 31.12.2023.
Các quy định chưa phù hợp
Còn tại Quảng Bình, theo UBND tỉnh này, việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm nay đạt thấp do có nhiều khó khăn và vướng mắc. Đáng quan tâm là các quy định đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Đáng chú ý, cũng giống như Hà Tĩnh, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở tỉnh Quảng Bình trong việc triển khai thực hiện gặp khó khăn vì hiện nay, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, không có lực lượng lao động nên không thể tham gia vào dự án.
Hay như dự án 4 của chương trình về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, theo quy định đối tượng thực hiện dự án là hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong khi đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động ở trên địa bàn tỉnh chiếm tỉ lệ thấp, phần lớn là người yếu thế, người già nên nhu cầu học nghề không nhiều. Do vậy, đối tượng đủ điều kiện tham gia đào tạo ít dẫn đến tỉ lệ giải ngân vốn đạt thấp.
Bên cạnh đó, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định mức vốn đầu tư phát triển hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thấp so với đơn giá trên địa bàn tỉnh nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo quy định về hỗ trợ nhà, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, trong khi để xây dựng được một căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình cần ít nhất khoảng từ 90 - 120 triệu đồng.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình đã có kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ LĐTBXH; Bộ NNPTNT… nhằm giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia từ nay cho đến những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Mậu Đại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, việc đầu tư một dự án nước sạch thủ tục mất nhiều thời gian, liên quan đến khảo sát tính khả thi, đăng ký của người dân. Trung tâm đã cố gắng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng đến hết tháng 12 này sẽ khởi công thêm 4 dự án, phía Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh dự kiến khởi công 2 dự án nước sạch nữa để nâng tỉ lệ giải ngân cao hơn nữa.