IPP Grand Harvest Day ươm mầm nhiều dự án khởi nghiệp tại Việt Nam

Đặng Tiến - Ngũ Hiệp |

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ trương phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được khẳng định tại nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như: chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020... 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh tại sự kiện IPP Grand Harvest Day ngày 6.7 vừa qua tại Hà Nội.

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) - Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ KHCN Việt Nam đồng chủ trì. Đây là một trong các hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.

Tham dự sự kiện có Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam - Kari Kahiluoto; đại diện các Bộ: KHCN và các Bộ Ngoại giao, KHĐT, Tài chính, GDĐT và các Sở KHCN, các trường đại học đối tác của IPP2...

Niềm tin khởi nghiệp cho doanh nghiệp Việt

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc bước đầu có được một hệ sinh thái thuận lợi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo và nỗ lực chung của cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có vai trò đóng góp tiên phong của Chương trình IPP2 với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Phần Lan.

Với việc tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên đại học sẽ trở thành một xu hướng và nơi ươm mầm, nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Cùng đó, báo cáo của IPP2 khẳng định rằng, việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, IPP2 đi tiên phong trong thử nghiệm các mô hình mới. Chương trình cung cấp các gói tài trợ theo hai giai đoạn (hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ nâng cấp) kèm theo một số hỗ trợ mềm tư vấn, huấn luyện kỹ năng cho 3 nhóm đổi mới sáng tạo (ĐMST) gồm: Nhóm dự án khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm, dịch vụ hướng tới thị trường quốc tế; nhóm dự án liên danh cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và nhóm dự án hỗ trợ các trường đại học phát triển đào tạo ĐMST và khởi nghiệp.

Chương trình được hai chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ với ngân sách 11 triệu Euro và thực hiện trong 4 năm (2014 - 2018). IPP2 là chương trình ODA tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo, xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên ĐMST và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trong 4 năm qua, IPP2 đã đưa các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tham gia tư vấn, soạn thảo các chính sách có tác động lớn trong dài hạn như: Chương trình 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025; Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi; Chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm được lồng ghép vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các giảng viên, IPP2 còn tài trợ cho các dự án của một số trường đại học Việt Nam nhằm thử nghiệm thiết kế các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và ĐMST phù hợp với nhu cầu của từng trường, khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên trường đại học, góp phần thúc đẩy việc đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và ĐSMT vào giảng dạy ở Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của IPP2, Chương trình đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng và sử dụng chuyên gia quốc tế đánh giá độc lập các đề xuất dự án. Trong số hơn 30 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp được IPP2 hỗ trợ có thể kể đến một số dự án như: Hệ thống giải pháp tương tác quản lý khách sạn - Ezcloud; cung cấp nền tảng giáo dục tương tác trực tuyến - Sen Platform; sản phẩm công nghệ Plasma lạnh (tác giả TS. Đỗ Hoàng Tùng, TS, Nguyễn Thế Anh) - đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện KHCN tiêu biểu của Việt Nam năm 2016.

Đánh giá kết quả của IPP2, Cố vấn trưởng IPP2 ông Lauri Laasko cho biết, trong 4 năm qua, IPP đã giúp hơn 200 doanh nghiệp tiếp cận trao đổi phỏng vấn và nhận được hỗ trợ từ chuyên gia quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Ở danh mục khởi nghiệp, sau 3 năm đã có 18 hạt giống được xây dựng và 80% số hạt sống còn tồn tại. Các dự án cũng đã đạt được tăng trưởng ở mức cao như doanh thu đạt hơn 200% và việc làm đạt 400% so với trước khi nhận hỗ trợ. Nhiều đơn vị khởi nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm được sang Hòa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Úc, CH Séc, Malaysia...

Đồng thời, ông Lauri Laasko cho rằng, việc phát triển của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài mà quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ bên trong. Đó có thể là các khoản vay, hỗ trợ mềm, các cơ chế ưu đãi tài chính...

Các đại biểu tham dự sự kiện IPP Grand Harvest Day.
Các đại biểu tham dự sự kiện IPP Grand Harvest Day.

Cam kết đồng hành hoạt động ĐMST

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, IPP là chương trình ODA về ĐMST lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ KHCN đã nỗ lực phối hợp với các Bộ chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Chương trình IPP2 là nguồn tham khảo để các cơ quan, tổ chức, trước hết là các đơn vị thuộc Bộ KHCN và Sở KHCN các tỉnh, thành nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị mình.

Gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, ĐMST - Innovation còn là một phạm trù mới và chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Với các nỗ lực của IPP trong giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một xu hướng mới và tư duy hiện đại về ĐMST từ kinh nghiệm Phần Lan và các quốc gia tiến bộ trên thế giới, giúp đặt những bước đi đầu tiên cho Việt Nam trên con đường sử dụng đổi mới sáng tạo như một công cụ phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Vì thế, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, ĐSMT đã trở thành một triết lý tiến bộ về tư duy và phát triển kinh tế - xã hội. Hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò dẫn dắt của ĐSMT là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. ĐSMT cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chính thức đảm nhiệm như một chức năng, nhiệm vụ quan trọng.

Chủ trương phát triển khởi nghiệp ĐMST đã được khẳng định tại nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐSMT quốc gia đến năm 2025.

Thành công của các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp do IPP2 hỗ trợ đã cho thấy tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên ĐMST ở Việt Nam. Bên cạnh đó, môi trường chính sách, cơ chế phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ có thể trở thành doanh nghiệp trưởng thành với tiềm lực mạnh trong tương lai.

Đặng Tiến - Ngũ Hiệp
TIN LIÊN QUAN

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

Những phong tục đón Tết Âm lịch độc đáo trên thế giới

Quỳnh Nga |

Nhiều quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore, Trung Quốc… cũng đón Tết Âm lịch như Việt Nam, có nhiều phong tục đặc sắc.