iPhone xách tay “tắc đường”, thu hẹp thị phần…
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng đưa ra con số nghiên cứu, thị trường các sản phẩm Apple tại Việt Nam đạt giá trị khoảng 1 tỉ USD/năm, trong đó mặt hàng iPhone chiếm khoảng 70%, 30% còn lại là các ngành hàng khác của Apple.
Tuy nhiên, trong 70% doanh số của iPhone tại Việt Nam, iPhone xách tay chiếm đến 40%. Như vậy, doanh số iPhone xách tay tương đương khoảng 280 triệu USD vào năm 2018.
Chính vì thế, trong 2 năm trở lại đây, trong chiến lược đẩy mạnh mở rộng thị trường tại Việt Nam, Apple đã đặt mục tiêu là “tiêu diệt” iPhone xách tay để “uốn” dòng chảy tiêu dùng sang iPhone chính hãng, mà cụ thể là iPhone mã V/A dành cho thị trường Việt Nam, thông qua các nhà nhập khẩu, phân phối được Apple công nhận.
Tuy nhiên, những gì Apple muốn làm chưa mang lại nhiều hiệu quả, vì sự năng động của thị trường iPhone xách tay, vì iPhone xách tay thường có hàng sớm mỗi khi Apple trình làng sản phẩm mới, và giá cả lại rẻ hơn hàng chính hãng vài triệu đồng/sản phẩm.
Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không đình trệ, iPhone 12 xách tay về Việt Nam cũng theo đó “tắc đường”. Lí do thứ hai, Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kinh doanh hàng nhập lậu đã có hiệu lực. Theo đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ hợp pháp có thể bị phạt mức tối đa lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, khiến giới kinh doanh iPhone xách tay “chờn tay”.
Người dùng chuyển sang hàng chính hãng – Ai được lợi?
Anh P.L, một người từng dự tuyển vào vị trí quản lí kênh phân phối của Apple tại Việt Nam cho biết, khi lọt vào đến vòng dự tuyển thứ 5, đề bài anh nhận được là kế hoạch loại bỏ dần iPhone xách tay trên thị trường Việt Nam như thế nào.
Tuy nhiên như đề cập ở trên, đến thời điểm này, thiên thời và địa lời đang đến với iPhone chính hãng. Theo chủ một chuỗi chuyên bán sản phẩm Apple có cửa hàng trên đường Trần Quang Khải, Quận 1, TPHCM (không muốn nêu tên), khi chuỗi không có hàng iPhone 12 xách tay và cũng hạn chế bán hàng xách tay để tránh rủi ro pháp lí thì người dùng cũng dần phải chuyển sang iPhone chính hãng.
Cũng theo chủ chuỗi bán lẻ này, trên thực tế việc bán iPhone chính hãng mang lại lợi nhuận cao hơn so với bán iPhone xách tay và cũng đỡ “mệt đầu” hơn. Cụ thể, iPhone xách tay chỉ lãi bình quân 200-300 ngàn đồng/chiếc trong khi iPhone mới chính hãng có mức chiết khấu từ 700-800 ngàn đồng/chiếc, lại không bị rủi ro về pháp lí.
Nhà nước cũng hưởng lợi hơn khi iPhone chính hãng 100% phải đóng thuế nhập khẩu cũng như các thứ thuế khác. Trong khi đó, phía Apple được hưởng lợi trực tiếp từ doanh số iPhone chính hãng (V/A) tăng lên chính là Apple Việt Nam, và một phần cũng được hưởng lợi nữa là Apple khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên ngược lại, người dùng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn vì iPhone chính hãng thường có mức giá cao hơn iPhone xách tay vài triệu đồng/chiếc. Đây cũng chính là nỗi lo về lâu dài, là sau khi “dẹp yên” xong hàng xách tay, Apple chính hãng một mình một chợ sẽ tự định đoạt giá có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng.