Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và gần như không thể đảo ngược trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả tài chính chứng khoán. Trên thế giới đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thị trường chứng khoán từ những năm 1980. Theo PwC Ấn Độ, đến năm 2023, ước tính khoảng 16.000 tỉ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực AI trong chứng khoán. Còn theo JPMorgan, hơn 60% giá trị giao dịch ngắn hạn thông qua AI đã đem lại hiệu quả đầu tư tốt hơn so với con người.
Tại Việt Nam, các giải pháp ứng dụng công nghệ AI, máy học (machine learning) đã được thử nghiệm ở các công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, TCBS, BSC… Công nghệ đã cho phép các ứng dụng có thể thu thập, xử lý thông tin khổng lồ. Từ đó, dự báo xu hướng thị trường, dòng tiền và lựa chọn các cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư.

Trao đổi với Lao Động, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) - khẳng định áp dụng trí tuệ nhân tạo vào chứng khoán là xu thế không thể đảo ngược. AI, mà ở đây là đặt lệnh chứng khoán bằng robot không thể thay thế hoàn toàn con người nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ hữu hiệu với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc tại Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) - đánh giá: "Ứng dụng công nghệ cao vào hệ thống giao dịch, hệ thống lõi là nhiệm vụ quan trọng, nhu cầu thiết yếu để nhà đầu tư có cơ sở dữ liệu trong việc đưa ra các quyết định. Không thể có máy móc nào chính xác 100% nhưng trên cơ sở thông tin khuyến nghị mà AI cung cấp, đây sẽ là căn cứ dể tham khảo và hỗ trợ trong quyết định đầu tư của mình".
Dẫn chứng về sự hiệu quả của áp dụng AI vào đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Quang Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam - cho biết, trong khi bình quân các quỹ đầu tư ở Việt Nam tăng trưởng 30 - 40% thì danh mục của AI tăng trưởng tới 137%.
"Trong năm 2022, khi thị trường tạo đỉnh vào tháng 4 thì hệ thống AI đã tạm dừng khuyến nghị. Đến tháng 9, AI mới khuyến nghị trở lại. Kết thúc 2022, khi VN-Index tăng trưởng âm thì chúng tôi vẫn ghi nhận mức sinh lời 12%" - ông Đạt nói.