Kín đơn hàng đến cuối năm - Xuất khẩu gỗ nhiều lạc quan
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mặc dù mới hết quý I/2022, nhưng nhiều DN đã nhận đơn hàng đến quý III, thậm chí nhiều DN nhận đơn hàng đến quý IV/2022. Nhiều DN đang tăng tốc để kịp tiến độ trả đơn hàng cho đối tác.
Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ XK, trị giá XK đồ nội thất nhà bếp có tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 185,8 triệu USD, tăng 47,4% so với 3 tháng cùng kỳ năm trước. Ghế khung gỗ là mặt hàng XK có trị giá cao nhất, đạt 578,1 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 499,5 triệu USD, giảm 1%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 353,3 triệu USD, tăng 0,6%...
Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong quý I/2022, XK gỗ sang thị trường Châu Âu (EU) tăng trưởng rất lạc quan. Trong đó, riêng tháng 3.2022 kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3.2022, XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, nhiều công ty trong ngành gỗ đã nhận đơn hàng XK sang EU tới hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng trong quý IV/2022. XK gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU được nhận định có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) đánh giá: Những thành tựu mà ngành gỗ và nội thất Việt Nam đạt được trong những năm gần đây là rất đáng khích lệ. Trong khi đó, dự báo, năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỉ USD/năm), Châu Âu và Châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội, ngoại thất. Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành Gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây là những tín hiệu tích cực cho ngành Gỗ Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp và xung đột Nga-Ukraina đang căng thẳng hiện nay.
Phát triển vùng nguyên liệu để gỡ "nút thắt" đầu vào
Theo TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends - mặc dù nhiều tín hiệu lạc quan về đơn hàng, nhưng ngành gỗ đang gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nguyên nhân chính do nguồn cung trong nước không đủ, phải nhập thêm từ các nước nhưng giá gỗ nhập khẩu đang tăng “nóng”. Hiện tại, giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180USD/m3, tăng từ 32-35US/m3; gỗ thông tròn Chile có giá 190USD/m3, tăng 35USD/m3. Bên cạnh đó, giá cước tàu biển, phí thuê container không ngừng gia tăng không chỉ khiến DN gặp rất nhiều khó khăn mà còn khiến đồ gỗ của Việt Nam khó cạnh tranh hơn khi giá thành sản phẩm bị "đội" lên do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Theo ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty gỗ Minh Thành - cho biết, Công ty Minh Thành đang sử dụng 95% gỗ thông nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Chile và New Zealand. Hiện, giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180 USD/m3, giá cách đây hai tháng là 140-148USD. Gỗ thông tròn Chile hiện ở mức 190USD/m3, trước đây là 155USD.
Ông Võ Quang Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) - dự báo với tình hình căng thẳng hiện nay, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ bị ảnh hưởng, do EU phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga.
Để giải quyết vấn đề nguồn cung nguyên liệu, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) - cho biết, một chuỗi liên kết đang dần được định hình, từ liên kết với người dân, lâm trường để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, liên kết các doanh nghiệp gỗ để sản xuất chuyên sâu, đến liên kết với các thị trường, các nhà mua hàng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), riêng về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ caosu. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu mét khối gỗ.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - cũng nhấn mạnh: Ngành gỗ đang cần có thêm vùng nguyên liệu và các trung tâm sơ chế quy mô lớn bởi hiện nay, Việt Nam XK nhiều gỗ và sản phẩm gỗ, nhưng trên cả nước chưa có các vùng nguyên liệu gỗ lớn, chưa có các trung tâm sơ chế quy mô lớn đủ sức đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng mới. Hiện nay trong tổng số 3,19 triệu hecta có tới 1,45 triệu hecta sản xuất quy mô hộ gia đình riêng lẻ, chủ yếu là gỗ nhỏ. Diện tích trồng rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững chỉ khoảng 307.000ha, chiếm 8,4% tổng diện tích rừng trồng của cả nước. Về công nghệ, một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay.