Làm gì với 1.000 tấn củ cải đang chờ “giải cứu”?
Tại đây, báo cáo của UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết: Diện tích sản xuất rau củ cải hiện tại đến thời gian thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng khoảng 1.120 - 1.500 tấn; trong đó có khoảng 70% diện tích này đã được các thương lái thu mua.
Tuy nhiên, do giá thành thấp, các thương lái chưa thu hoạch; khoảng 20ha đang sản xuất củ cải ở giai đoạn cây con, 20ha củ cải bị ra hoa phải nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), sản lượng khoảng 1.120 - 1.400 tấn, gây thiệt hại khoảng 1,5 - 2 tỉ đồng (chưa tính công của người lao động), hiện nay nhân dân đang vệ sinh lại đồng ruộng để chuẩn bị mùa vụ mới.
Hiện tại, giá thành củ cải tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội), giá thương lái xuất đi khoảng 1,5-2 nghìn đồng/kg. Giá thu mua thấp nhất là 1 nghìn đồng/kg.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - cho biết: Trước mắt cần hỗ trợ thu mua 1.000 tấn củ cải cho bàn con nông dân. Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội - cho biết:
Trước mắt, sở sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của thành phố để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn cho người dân trong thời gian tới, các siêu thị bố trí các điểm bán hàng ngoài sảnh, cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ công tác truyền thông để mua sản phẩm.
Ngoài ra, sở sẽ làm văn bản gửi đến các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng đang còn ứ đọng. Củ cải có thể sấy khô để bán, sở đã liên hệ được với nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, hỗ trợ cho người dân sấy khô không lấy công.
Tuy nhiên, Nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội chỉ tiêu thụ được khoảng 2 tấn/ngày, Tràng An tiêu thụ từ 10 - 20 tấn/ngày. Theo đó hợp tác xã cân đối lượng hàng bán tươi, còn lại bao nhiêu thì sấy khô để bán tiếp theo, không để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí.
Bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc siêu thị BigC Garden - cho biết: Trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10-15 tấn củ cải, về lâu dài siêu thị sẽ có những ký kết hợp đồng với hợp tác xã.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Phó cục Trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 1.000 tấn củ cải không phải là “giải cứu” mà tập trung hỗ trợ tiêu thụ. Các ngành và địa phương cần hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Về lâu dài, cần định hướng lại sản xuất, tránh tình trạng dồn ứ sản phẩm cục bộ.
Cần liên kết sản xuất với tiêu thụ, thông tin rõ về nhu cầu thị trường để người dân biết và có hướng sản xuất phù hợp. Các siêu thị, DN tập trung thu mua sản phẩm cho người dân với giá cả hợp lý”.
Thu nhập từ rau vụ đông tăng mạnh
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Hồng Sơn, mặc dù còn lượng lớn củ cải chưa bán được, nhưng thực tế là năm nay nông dân “trúng lớn” rau vụ đông xuân vì sản lượng và giá đều cao. Trong suốt một thời gian dài từ tháng 9.2017 đến hết tháng 1.2018, thậm chí đến giữa tháng 2.2018 - trước Tết giá rau vẫn cao hơn các năm trước.
So với năm 2016-2017, giá rau tăng trung bình 15%. “Hôm qua chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nông dân thì đều thừa nhận chúng ta đã có 1 năm rau vụ đông được giá, kéo rất dài, ổn định nên thu nhập từ rau vụ đông năm nay tăng khoảng 20% so với các năm trước” - ông Sơn cho biết.
Thông tin chung về thu nhập, vùng trồng su hào và bắp cải, nông dân trồng 1 lứa có thể thu nhập 7-9 triệu đồng/sào Bắc Bộ, tương đương 190-230 triệu đồng/ha và sau 2 lứa trồng (rau hiện nay trồng 45-60 ngày/lứa) thì nông dân thường lãi 250-300 triệu đồng, chi phí như năm nay lãi trên 55% so với giá trồng.
“Đối với một số cây trồng khác như củ cải hoặc rau ăn lá, hôm qua ngay ở Tráng Việt, Mê Linh nông dân cũng khẳng định sau 3 lứa trồng nông dân đã lãi 500 triệu đồng/ha (tính trung bình), thậm chí có hộ cá biệt lãi cao hơn.
Qua tổng kết sơ bộ báo cáo từ các địa phương, chúng tôi thấy cây vụ đông mang lại thu nhập thêm khoảng 3.000 tỉ đồng, tức là năm nay xấp xỉ khoảng 30.000 tỉ đồng so với năm 2016-2017 (27.000 tỉ đồng)” - ông Sơn nhấn mạnh.