Không chỉ với nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, kết quả kinh doanh trong năm 2019 cũng chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ với số lỗ phát sinh lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Tình hình tài chính của không ít doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh bê bết với nhiều doanh nghiệp âm vốn sở hữu, nợ phải trả lớn và số nợ phải thu khó đòi cũng lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Ngổn ngang thua lỗ, âm vốn
Kết thúc năm tài chính 2019, báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu cho thấy cả nước có 818 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 491 doanh nghiệp và có cổ phần, vốn góp tại 327 doanh nghiệp khác. Trong số này, tổng tài sản của 491 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN) xấp xỉ 3 triệu tỉ đồng với số lãi phát sinh trước thuế trong năm 2019 đạt 162.750 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% so với kết quả thực hiện năm 2018. Ngược lại có tới 44 trong tổng số 491 DNNN có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ phát sinh là 619 tỉ đồng.
Trong khối 76 tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước và Công ty mẹ, các dữ liệu cho thấy, các doanh nghiệp này đang nắm giữ tổng tài sản là hơn 2,73 triệu tỉ đồng. Đây là nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong số các DNNN nhưng cũng là nhóm đang có tổng số nợ phải trả trên 1,44 triệu tỉ đồng và chiếm 53% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty. Trong số này, báo cáo hợp nhất cho thấy có 12 tập đoàn, tổng công ty (TCty) còn lỗ lũy kế là hơn 7.440 tỉ đồng với nhiều đơn vị có số lỗ lớn cả nghìn tỉ đồng như TCty Hàng hải, Tập đoàn Hóa chất, TCty Cà phê.
Tại 327 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy, có 63 doanh nghiệp phát sinh tổng số lỗ là 1.442 tỉ đồng. Đáng chú ý không ít doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: TCty Cơ khí Xây dựng (âm vốn chủ sở hữu 48 tỉ đồng), TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (âm vốn chủ sở hữu 505 tỉ đồng), TCty Sông Hồng (âm vốn chủ sở hữu 666 tỉ đồng).
Đặc biệt với 415 DNNN thuộc Bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu, tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản đạt thấp dưới mức lãi suất gửi tiết kiệm bình quân của ngân hàng (khoảng từ 1-5%).
Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, giống gia súc và giống cây trồng. Lỗ lũy kế của các doanh nghiệp này là 1.890 tỉ đồng, gồm 81 doanh nghiệp độc lập còn số lỗ lũy kế năm 2019. Các doanh nghiệp này đều phát sinh lỗ trong nhiều năm liên tiếp và đã được các cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện cơ chế giám sát tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mạnh tay với dự án yếu kém
Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa kịp thời. Trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng, công tác điều hành quản trị doanh nghiệp, tiếp cận công nghệ chậm được đổi mới nên khó bắt kịp nhu cầu phát triển của thị trường. Một số DNNN chậm sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó ở công tác thoái vốn nhà nước, nhiều DNNN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỉ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.
Theo đó với các doanh nghiệp có dự án thua lỗ, Chính phủ đưa giải pháp các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có dự án hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài báo cáo cụ thể tình hình của từng dự án, đánh giá khả năng phục hồi hoặc phương án xử lý dứt điểm; tách riêng việc phục hồi sản xuất hoặc phá sản, thanh lý tài sản của dự án với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Triển khai đánh giá đúng giá trị hiện tại của dự án có khả năng phục hồi theo thị trường để làm cơ sở tổ chức phục hồi sản xuất, đi vào hoạt động; kiên quyết thực hiện phá sản, bán thanh lý tài sản với những dự án không có khả năng phục hồi.
Đặc biệt, phải xác định giá trị thiệt hại do các cá nhân, tổ chức liên quan gây ra trong đó tính đến giá trị thu hồi từ tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại đền bù, từ cơ quan bảo hiểm bồi thường và từ bán thanh lý tài sản của dự án; trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định...
Cần giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV Báo Lao Động về việc các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thua lỗ, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tình trạng các DNNN và các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả... đã diễn ra lâu nay nhưng không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân đến từ hai phía, cả phía DNNN và các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp có vốn nhà nước thua lỗ. Cụ thể là do đầu tư sai; do lãnh đạo không chịu trách nhiệm; có nguyên nhân là do lợi ích nhóm hay đầu tư không tính toán, giao việc đầu tư đó cho người thân quen, sân sau…