Giá lên nhanh nhưng xuống chậm
Khác với những hệ thống siêu thị lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội như rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều đang neo ở mức cao. Điều này khiến tâm lý người tiêu dùng không khỏi thắc mắc đến thời điểm nào thì giá cả mới giảm mạnh theo giá xăng dầu, hết độ trễ và quay về mức bình ổn, phù hợp với mức thu nhập hàng tháng của người dân?
Chị Trần Thị Thanh Hiền (SN 1985, cư dân tại làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội) thắc mắc: “Thời gian vừa qua, mặc dù báo đài liên tục đưa tin tức giá xăng dầu đang giảm nhưng mỗi buổi sáng ra chợ, tôi vẫn thấy nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao, một số mặt hàng đồ tươi sống thậm chí còn đang tăng chóng mặt”.
Theo chị Hiền, một số cửa hàng thực phẩm đồ uống nơi chị đang sinh sống, trước kia từng dán biển tăng giá thành từ 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm nhưng hiện tại vẫn chưa thấy động thái điều chỉnh gì khi giá xăng dầu đang giảm 5 lần liên tiếp. Sau đợt “bão giá xăng dầu”, có không ít mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và khó hạ nhiệt.
Giá cả tăng cao khiến lượng khách sụt giảm, chị Hoàng Thị Thơm (chủ cửa hàng đồ ăn nhanh trên phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) tâm sự, từ đầu năm tới nay, cửa hàng của chị cũng gặp nhiều khó khăn khi giá cả các mặt hàng, xăng dầu tăng cao.
Thời điểm đó, hàng hóa, chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, buộc cửa hàng của chị phải thông báo tăng giá khoảng 10-20%, khiến lượng khách quen cũng bị sụt giảm nhanh chóng.
Rà soát lại các khâu trung gian
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần bảo đảm cung cấp hàng hóa thông suốt, không nên để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Để hạ nhiệt giá hàng hoá nhanh chóng, ông Phú đã nhấn mạnh đến việc giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả. Tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao và đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá đắt đỏ.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, khâu trung gian không thể “ăn” chênh lệch quá nhiều. Bởi trên thực tế đã có tình trạng đơn vị thu mua đã ép giá nông dân, trong khi họ luôn là người yếu thế. Ông Lực đề cập đến vấn đề đạo đức kinh doanh, bên cạnh đó cũng cần có chế tài để xử lý.
Đặc biệt, việc xử lý này phải công khai, minh bạch để người tiêu dùng biết được khâu nào đã khiến giá hàng hóa đội lên cao, từ đó có biện pháp xử lý đúng và trúng.
Để hàng hoá hạ nhiệt nhanh chóng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan, nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh... mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vẫn đang tính toán gộp luôn vào giá thành sản phẩm.
Đề cập đến vấn đề này, phía Bộ Tài chính cho biết, sẽ tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá. Với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.