Ghi nhận của PV Lao Động, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke tại các tuyến phố như Trần Thái Tông, Nguyễn Khang, Nguyễn Hoàng… đều vắng khách sau những vụ cháy liên tiếp ở nhiều tỉnh thành.
Theo anh Nguyễn Hoàng Long - chủ karaoke trên đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh mở cửa từ 10h đến 24h song chỉ 5-10 phòng đặt/ngày, có hôm chỉ nhận 3-4 nhóm khách. Đến cao điểm buổi tối, tình hình của quán cũng không khá khẩm hơn.
“So với con số 15-20 phòng/ngày được đặt trước kia, doanh thu đã sụt giảm nhiều lần. Khách ít, thời gian ngồi lại quán cũng giảm hẳn. Nhiều khách bước vào quán hỏi tôi nơi thoát hiểm ở đâu. Thậm chí, nếu được chọn phòng, nhiều người yêu cầu ở tầng thấp, hoặc phòng sát lối thoát hiểm ngoài trời” - anh Long nói.
Tương tự, một quán hát trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cũng chịu chung cảnh ế ẩm những ngày qua.
“Thời điểm này khá nhạy cảm đối với các quán hát chúng tôi. Ban ngày hầu như không có khách, buổi tối khách thường đi theo nhóm, đông nhất thì cũng chỉ được 3-4 phòng. Số tiền thu lại không đủ để trả cho nhân viên, tiền điện, tiền bảo trì máy móc. Tôi vừa cho hai nhân viên tạm nghỉ mấy ngày đầu tuần” - chị Minh Nguyệt, chủ quán karaoke, cho biết.
Cũng theo chị Nguyệt, quán của chị vừa được thành phố kiểm tra tuần trước. Nhưng thời gian qua, thông tin 58% quán karaoke ở Hà Nội không đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên nhiều khách e ngại. Khi khách quen và khách mới đến, chị phải giải thích và hướng dẫn họ kiểm tra chỗ thoát hiểm.
Vốn là người thích hát karaoke, chị Thảo Trang (33 tuổi, Cầu Giấy) cho biết, vào mỗi dịp cuối tuần, chị và bạn bè thường xuyên vào các quán karaoke để hát. Tuy nhiên, trước hàng loạt tin tức về các vụ cháy, chị có phần ngại đến quán.
“Trước kia đi hát, tôi không mấy để ý, cũng không quan tâm họ phòng cháy chữa cháy (PCCC) thế nào, vui với bạn bè là được rồi. Nhưng xem xong vụ cháy quán karaoke ở An Phú, 32 người chết thấy thảm cảnh quá, cũng có phần rùng mình. Gần đây đọc báo thấy Hà Nội cũng đang kiểm tra công tác PCCC các quán, tôi nghĩ là sau vụ này, cả quán và người dân đều có sự thay đổi” - chị Trang nói.
Theo yêu cầu của UBND Hà Nội, 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn phải được kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc kiểm tra phải xong trước ngày 20.9, báo cáo kết quả trước ngày 25.9.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cũng cho thấy, hiện thành phố có gần 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra, có tới 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa khắc phục nên đã kiến nghị tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, 326 cơ sở không có khả năng khắc phục đã bị tạm đình chỉ.