“Khó hơn làm… MC”
Một ngày làm việc của Cao Thị Hải (TP Hồ Chí Minh) chỉ kết thúc vào lúc 10h tối. Đó là thời điểm cô gái 22 tuổi hoàn thành 4 số livestream (phát trực tiếp) bán sản phẩm trên mạng xã hội kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ.
Gương mặt xinh đẹp cùng thân hình chuẩn, Cao Hải có đầy đủ tố chất để trở thành một người mẫu tự do. Nhưng nghề mẫu livestream lại là một câu chuyện hoàn toàn khác: khó khăn và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Là một công việc khá mới, mẫu livestream thường dành cho những cô gái trẻ xinh đẹp, có khả năng thu hút đám đông, giới thiệu và bán các sản phẩm qua hình thức livestream trên Facebook.
“Khó hơn làm MC”, Hải kết luận với kinh nghiệm 2 năm làm nghề. “Nếu như MC có nhiệm vụ duy nhất là thu hút khán giả vào chương trình (đã có kịch bản sẵn) thì mẫu livestream phải biến những người theo dõi chương trình thành khách hàng, khiến họ bỏ tiền mua hàng chỉ qua những tương tác mạng xã hội mà không hề theo bất kỳ kịch bản đã định sẵn nào”.
Thanh Hương (23 tuổi), một mẫu livestream chuyên mảng thời trang ở Hà Nội nói: Nhiều người mẫu hay MC tự do chuyển sang làm mẫu livestream chỉ được vài ngày là phải bỏ bởi không bán được sản phẩm nào. Xinh đẹp, hoạt ngôn là điều kiện tiên quyết nhưng quan trọng nhất phải có “duyên bán hàng”.
Thu nhập “khủng”, bị gạ tình…
Theo tìm hiểu, hiện tại trên thị trường đã có những công ty quản lý hàng chục các mẫu livestream sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng doanh số bán hàng cho các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh.
Khoảng 400 nghìn đồng là số tiền mẫu livestream nhận được cho một số livestream tương tác kéo dài 45 phút từ phía công ty quản lý. Một buổi tối một mẫu livestream thực hiện tối đa 4 số. Nếu chăm chỉ, mỗi tháng một cô gái trẻ theo đuổi công việc này có thể kiếm được hàng chục triệu đồng.
Thu nhập “khủng”, đồng nghĩa với áp lực lớn. Trong 45 phút đó, Cao Hải phải tạo được tối thiểu 1000 lượt người xem và 1000 lượt chia sẻ video livestream trên facebook. Và quan trọng: Lượng tương tác này phải chuyển đổi thành những giao dịch mua hàng.
“Một tuần, một mẫu livestream phải bán được tối thiểu 700 sản phẩm thì mới đạt chỉ tiêu và nhận thêm phần tiền hoa hồng/sản phẩm từ phía công ty”, Cao Hải nói.
Áp lực doanh số khiến những mẫu livestream luôn phải cố gắng làm mới mình, thay đổi cách trò chuyện, tư vấn sao cho hấp dẫn hơn. Ngoài việc đọc sách, xem chương trình truyền hình, Cao Hải cũng thường rèn nghề bằng cách xem các livestream của các đồng nghiệp đi trước.
Nghề mẫu livestream cũng phải đối mặt không ít cám dỗ. Một mẫu livestream ở Hà Nội có kinh nghiệm gần 3 năm trong nghề (xin giấu tên) tỏ ra mệt mỏi: Trang cá nhân và điện thoại của mình thường xuyên bị làm phiền bởi người lạ. Đó hầu hết là những bạn nam xem livestream trên mạng sau đó tìm bằng được liên hệ của mình để làm quen, thậm chí gạ tình với những đề nghị thô lỗ.
Lê Mai (20 tuổi), là một mẫu livestream khá nổi nhưng bị cuốn vào guồng quay của công việc khi nó đem lại cho cô gái trẻ một mức thu nhập đáng mơ ước.
“Công việc làm ảnh hưởng đến việc học hành tại trường đại học của mình khá nặng nề. Nhiều hôm mình phải nghỉ học để tham dự buổi livestream bán hàng do đã nhận đơn từ trước, nếu bỏ thì phải bồi thường số tiền lớn”.
Sẽ phát triển trong 5 - 10 năm tới?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia Truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết, tại nhiều nước trên thế giới công việc livestream bán hàng đã được nhìn nhận như một nghề nghiệp thực sự với tên gọi streamer (những người phát sóng trực tiếp).
Vị chuyên gia cho rằng phương thức truyền thông qua các livestream hiệu quả hơn rất nhiều so với các phương thức khác bởi 2 lý do: “Thứ nhất, khách hàng có thể cảm nhận sản phẩm một cách trực quan nhất với độ tương tác cao khi có thể phản hồi và được trả lời ngay tại thời điểm đó. Thứ hai, nền tảng Facebook ưu tiên độ lan tỏa thông tin livestream cao hơn hẳn hình thức content bằng chữ hay video thông thường”.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhận định, phương thức livestream vẫn có thể vẫn phát triển mạnh trong 5 – 10 năm tới trước khi bị thay thế bởi công nghệ thực tế ảo (VR).