Vốn phải chảy vào đúng lĩnh vực, mục tiêu
Cụ thể theo thông tin từ Bộ Tài chính, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ này vừa yêu cầu đơn vị trực thuộc đôn đốc các địa phương, bộ ngành phân bổ hết vốn kế hoạch 2022.
Cụ thể Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nếu đến hết tháng 3 không phân bổ hết vốn đầu tư năm 2022 sẽ rà soát, điều chỉnh, do đó Vụ Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc các địa phương, bộ ngành phân bổ hết vốn kế hoạch 2022.
Bên cạnh đó, cần tập trung phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đề án kích cầu, chú ý danh mục các dự án, đặc biệt là các dự án cấp bách, tránh trường hợp các dự án không quan trọng, cấp bách lại được đưa vào danh mục, các dự án quan trọng, cấp bách lại bị bỏ ra.
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cũng yêu cầu báo cáo tình hình giải ngân, thanh toán, cập nhật số liệu thường xuyên, chính xác, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như gửi cho các bộ, ngành, địa phương.
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, cần phải làm sao để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công phải được giám sát chặt chẽ, tránh việc dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực khác không đúng mục tiêu.
“Nguồn lực phục hồi kinh tế cũng là rất lớn, gần 350 nghìn tỉ đồng, trong đó có nguồn lực lớn từ ngân sách, do đó cần được giám sát chặt chẽ” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Sau tháng 3 sẽ điều chỉnh phân bổ vốn
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, cơ quan này đến nay nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 51 bộ, cơ quan trung ương và 62 tỉnh, thành phố. Còn Bộ Y tế và TP.Hồ Chí Minh chưa gửi báo cáo phân bổ vốn. Hơn nữa trong số các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, vẫn còn có 20 bộ và 34 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong số này, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, hiện còn 20 bộ và 24 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ vốn chưa phân bổ lớn như: Bộ Thông tin và Truyền thông (trên 79%), Thanh tra Chính phủ (gần 85%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (trên 84%)…
Bộ Tài chính cho hay, nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong thông báo ngày 8.3.2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, 2 tháng đầu năm 2022 và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng nhấn mạnh nội dung về phân bổ vốn đầu tư công năm 2022.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, nhất là tình hình quốc tế gần đây, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xử lý công việc theo thẩm quyền, kịp thời đề xuất, tham mưu các vấn đề chiến lược, có kịch bản điều hành và giải pháp ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trong đó, phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thưc hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công và giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong tháng 3.2022.
“Nơi nào chưa phân bổ xong theo quy định của pháp luật thì điều chỉnh sang bộ, ngành, địa phương khác, ngay sau tháng 3.2022” - thông báo nêu rõ.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ưu tiên nguồn lực để tập trung thực hiện các tuyến đường cao tốc, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.