TTCK Việt Nam sau 2 thập kỷ ra đời và phát triển
Sau 2 thập kỷ ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch. Việc tham gia TTCK khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu...
Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã và đang có những trợ lực lớn, nhờ nền kinh tế vĩ mô dần ổn định, tạo ra nhiều dư địa cho tăng trưởng trong tương lai, cùng sự chỉ đạo liên tục và hỗ trợ sâu sát của hệ thống chính quyền đối với lĩnh vực chứng khoán trong những năm vừa qua.
Nhờ đó, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc: Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 31/5/2024 đạt xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng , tương đương 97.35% GDP 2023 (GDP theo giá hiện hành). Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Số lượng tài khoản chứng khoán cũng chứng kiến mức tăng mạnh mẽ, từ 2,771,409 vào cuối năm 2020 lên 7,938,060 vào 31/05/2024, tương đương mức tăng trưởng kép 54.57% mỗi năm.
Tuy nhiên, trái ngược với những bước tăng trưởng mạnh mẽ về dòng vốn và số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới lại chững lại rõ rệt trong những năm gần đây.
Thực trạng về tình hình suy giảm số lượng Doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn Chứng khoán
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2024 là 1.603 doanh nghiệp HOSE (411 doanh nghiệp), HNX (314 doanh nghiệp) và UPCoM (878 doanh nghiệp)2 . Con số này trong các năm gần đây không hề có sự chuyển biến lớn, thậm chí còn chứng kiến mực sụt giảm nhẹ khi tổng số lượng DN trên 3 sàn vào cuối các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt được ghi nhận ở mức 1617, 1655 và 1641.
Con số này quá thấp khi chỉ chiếm chưa tới 0.2% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với TTCK Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
Từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen, trong đó mảng tối dường như chiếm ưu thế.
Các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, lợi nhuận tối thiểu 2 năm và mức vốn điều lệ tối thiểu cao (30 tỷ đối với Công ty đại chúng hoặc niêm yết trên HNX và lên tới 120 tỷ đối với HOSE).
Các hoạt động đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh mẽ, khiến cho nhu cầu đại chúng hóa và niêm yết công ty suy giảm.
Các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn. Việc chuyển mình từ một công ty tư nhân lên một công ty đại chúng và thậm chí niêm yết đòi hỏi mức độ cam kết cao của Ban lãnh đạo, cũng như tầm nhìn dài hạn về chiến lược vận hành, tài chính, kinh doanh, khiến cho các công ty tư nhân.
Ảnh hưởng từ việc suy giảm số lượng Doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn Chứng khoán
Hạn chế cơ hội đầu tư: Với số lượng công ty niêm yết mới ít hơn, các nhà đầu tư có phạm vi lựa chọn hẹp hơn trong việc phân bổ vốn. Điều này có thể làm giảm sự đa dạng hóa và hạn chế lựa chọn đầu tư.
Mức độ tập trung thị trường: Một nhóm nhỏ hơn các công ty niêm yết có thể dẫn đến tập trung thị trường, khiên các công ty lớn có thể có nhiều ảnh hưởng hơn, ảnh hưởng đến cạnh tranh và có khả năng cản trở sự đổi mới.
Thách thức về thanh khoản: Số lượng niêm yết mới suy giảm đồng nghĩa với việc có ít cổ phiếu được giao dịch hơn. Điều này có thể tác động đến tính thanh khoản, khiến nhà đầu tư khó mua hoặc bán cổ phiếu nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến giá cả.
Lo ngại về tính minh bạch: Các công ty đại chúng phải tuân theo các yêu cầu về công bố thông tin, nhằm nâng cao tính minh bạch. Ít công ty niêm yết mới có nghĩa là ít thông tin được công bố rộng rãi hơn, có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Tác động đến tăng trưởng kinh tế: Thị trường chứng khoán sôi động góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung. Giảm số lượng công ty niêm yết mới có thể cản trở việc hình thành vốn và hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng.
Những thách thức về quản trị doanh nghiệp: Các công ty niêm yết đại chúng thường phải tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp cao hơn. Việc giảm niêm yết mới có thể làm giảm sự chú trọng tổng thể vào các thông lệ quản trị tốt.
Giải pháp tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết mới
Từ phía cơ quan quản lý chính sách
Thực hiện các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy IPO, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ (SMEs):
Khuyến khích nhiều công ty hơn ra mắt công chúng thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bằng cách đơn giản hóa thủ tục. Việc đơn giản hóa quy trình không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu mà còn tạo động lực cho các công ty tham gia thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc giảm chi phí liên quan đến IPO kết hợp niêm yết sẽ làm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, trong khi các ưu đãi như hỗ trợ thuế và tài chính có thể khuyến khích thêm nhiều công ty cân nhắc lựa chọn niêm yết. Những biện pháp này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán mà còn tăng cường tính minh bạch và khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.
Cũng cần chú trọng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Các SME đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và đóng góp vào sự đa dạng hóa nền kinh tế. Để khuyến khích SMEs cân nhắc ý định niêm yết, cần giải quyết các mối quan tâm của họ, chẳng hạn như chi phí tuân thủ và các yêu cầu pháp lý liên quan đến việc niêm yết.
Chính phủ và các tổ chức liên quan có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc các chương trình khuyến khích đặc biệt để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi niêm yết. Các biện pháp cụ thể có thể bao gồm cải thiện quy trình đăng ký và cung cấp hỗ trợ tư vấn về quản lý và tài chính để chuẩn bị cho việc niêm yết, giúp các doanh nghiệp này dễ dàng hơn trong việc tham gia vào thị trường chứng khoán một cách hiệu quả và minh bạch.
Ngoài ra, việc tạo nền tảng niêm yết phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó tăng cường sự đa dạng hóa và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nâng cao nhận thức của các công ty tư nhân về lợi ích của việc niêm yết công khai, chẳng hạn như khả năng tiếp cận vốn và nâng cao tầm nhìn. Về mặt lợi ích, những doanh nghiệp niêm yết sẽ có ưu thế trong việc tiếp cận thị trường vốn, bao gồm cả ECM và DCM, khi việc niêm yết chứng minh công ty đã đáp ứng và đang liên tục tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính, quy định pháp lý cũng như mức độ minh bạch thông tin.
Tính thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện mạnh mẽ, làm tăng mức độ hấp dẫn của công ty đối với các nhà đầu tư trên thị trường. Công ty cũng sẽ được ghi nhận tăng cường hiện diện thương hiệu cũng như mức độ tin cậy của khách hàng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh doanh của công ty.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có ROE thấp hoặc biến động
Trong giai đoạn 2003-2008, TTCK từng có một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn sau khi Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ra đời. Tại thời điểm đó, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, khi những doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường chứng khoán có thể làm đa dạng hóa các sản phẩm, có thêm nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới là cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, ngoài 11 doanh nghiệp FDI đã niêm yết không có thêm một cái tên mới nào xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp FDI còn vấp phải sự thờ ơ của các nhà đầu tư chứng khoán khi hầu hết cổ phiếu FDI đều có một kịch bản chung là giao dịch lay lắt. Theo đó, tới đây, cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp FDI có thể sẽ được tháo bỏ nút thắt phần nào, giúp các doanh nghiệp thuận đường hơn.
Trong nhiều năm qua, vẫn có những doanh nghiệp FDI “đánh tiếng” muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam như: Seoul Metal Việt Nam, Ngũ Kim Fortress Việt Nam (cuối năm 2017), Tập đoàn CT&D của Đài Loan (Trung Quốc, năm 2020), Tập đoàn AEON (năm 2021), CP Việt Nam (năm 2022). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm một thông tin mới gì về hoạt động này.
Việc giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI vẫn cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư nhưng cũng nên tạo một hành lang pháp lý để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp FDI niêm yết, giúp đa dạng hóa thị trường và thu hút thêm dòng vốn FDI.
Ngoài ra điều kiện để niêm yết sàn HSX thì doanh nghiệp đăng ký phải có lãi trong 2 năm hoạt động liền trước, 1 năm trước đó có ROE tối thiểu 5% sẽ gây nhiều khó khăn cho một số doanh nghiệp. Đặc biệt một số ngành nghề có tính chu kỳ hoặc doanh nghiệp thương mại vốn có biên lợi nhuận thấp và biến động sẽ khó duy trì được ROE tối thiểu cũng như việc có lãi 2 năm hoạt động liền trước.
Bằng việc mở rộng và đa dạng hóa các lựa chọn niêm yết, thị trường chứng khoán có thể trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư và cũng mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, sự đa dạng hóa này cũng đóng góp vào việc nâng cao sự cạnh tranh và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trước những thay đổi trên thị trường toàn cầu.
Khuyến khích minh bạch hóa thông tin nhằm tăng tính thanh khoản từ phía doanh nghiệp
Để tạo ra một môi trường hấp dẫn cho việc niêm yết và đảm bảo sự bảo vệ cho nhà đầu tư, hợp tác chặt chẽ giữa các sàn giao dịch chứng khoán và cơ quan quản lý là điều cần thiết. Các sàn giao dịch chứng khoán cần phối hợp với cơ quan quản lý để xây dựng và thúc đẩy các chính sách, quy định nhằm tạo ra môi trường niêm yết công bằng, minh bạch và hấp dẫn.
Để hợp lý hóa các yêu cầu niêm yết, cần cân nhắc các yếu tố như kích cỡ và tính chất của công ty, cùng với năng lực và nhu cầu vốn của thị trường. Điều này giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp niêm yết đủ điều kiện để hoạt động trong một môi trường cạnh tranh và bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các rủi ro không cần thiết.
Ngoài ra, việc duy trì sự bảo vệ cho nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý cần thực hiện kiểm định và giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng các công ty niêm yết tuân thủ các quy định về báo cáo tài chính và thông tin công khai. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Từ phía doanh nghiệp: Cần tăng cường quản trị và minh bạch hóa thông tin
Triển khai và thực thi các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và tăng cường sự minh bạch trên thị trường chứng khoán. Báo cáo minh bạch là yếu tố cốt lõi, giúp đảm bảo rằng các thông tin về hoạt động kinh doanh, tài chính và chiến lược của công ty được công khai một cách trung thực và đầy đủ. Việc có hội đồng quản trị độc lập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đưa ra quyết định độc lập, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong quản trị công ty.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị này, các công ty niêm yết cần thường xuyên đánh giá và cập nhật các quy định quản trị của mình. Việc này giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn được áp dụng là phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường chứng khoán. Đồng thời, việc thường xuyên đánh giá cũng giúp công ty điều chỉnh và cải thiện các quy trình quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.
Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích cho từng công ty mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, tạo ra môi trường đầu tư thu hút và ổn định hơn cho tất cả các bên liên quan. Do đó, việc triển khai và thực thi các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết và không thể bỏ qua trong quá trình phát triển của mỗi công ty niêm yết.
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Biến động kinh tế toàn cầu và trong nước đã tạo ra một bức tranh thị trường đầy biến động, với nhiều yếu tố tiêu cực chiếm ưu thế. Các quy định ngày càng chặt chẽ về điều kiện niêm yết, sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư tư nhân và mạo hiểm, cùng với việc nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ về lợi ích và điều kiện niêm yết, đều là những rào cản lớn.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu niêm yết, đồng thời nâng cao nhận thức về lợi ích của việc niêm yết công khai. Điều này không chỉ giúp cải thiện sự ổn định của thị trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.