Ngày 15.8, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến ngày 31.7, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới chỉ đạt hơn 18% kế hoạch.
Năm 2023, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giao cho Gia Lai là 4.461,193 tỉ đồng. Tính đến ngày 12.6, nguồn vốn đã phân bổ là hơn 4.209 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương là 2.029 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 2.180,361 tỉ đồng.
Tính đến ngày 31.7, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới chỉ hơn 763 tỉ đồng, đạt 18,13% kế hoạch vốn đã giao.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 575 tỉ đồng, đạt 28,36% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân hơn 187 tỉ đồng, đạt 8,61% kế hoạch.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là do triển khai thủ tục đầu tư công của các chủ đầu tư kéo dài.
Đối với công trình khởi công mới năm 2023, hầu hết đều đang ở bước triển khai thủ tục đầu tư và ưu tiên vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thi công để giải ngân.
Đối với các công trình chuyển tiếp, hầu hết các chủ đầu tư đang đôn đốc đơn vị thi công để có khối lượng và thực hiện trừ tạm ứng như: Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP Pleiku) cuối năm 2022 ứng cho các đơn vị thi công khoảng 50 tỉ đồng.
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông năm 2022 ứng cho các đơn vị thi công gần 292 tỉ đồng nhưng vẫn không có mặt bằng thi công để hoàn ứng.
Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa, tỉnh lộ 669 và đường từ TP Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa có kế hoạch vốn năm 2023 là 170 tỉ đồng, hiện chưa có khối lượng giải ngân.
Ngoài ra, một số dự án có thời gian thẩm định, triển khai thủ tục kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Để tiến độ giải ngân hiệu quả, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án.