Trước nhắc, sau đe
Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ, mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tăng khoảng 23,5%, (tương ứng tăng khoảng 103.000 tỉ đồng so với năm 2021) nhưng lại chỉ đạt 93,42% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt tỉ lệ 95,11%). Đáng chú ý, vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch được giao. Trước kết quả này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.
Liên quan đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là 93,42% kế hoạch, trước đó, trong nửa đầu năm 2022 và thậm chí đến hết quý III/2022 tỉ lệ giải ngân vẫn ở mức thấp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 31.10.2022, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng mới đạt 51,34%, thấp hơn cùng kỳ năm trước là 55,8%. Đến thời điểm đó, vẫn còn một số bộ, địa phương chưa phân bổ, giao kế hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng liên tục nhấn mạnh các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải nghiên cứu, giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng đến từng chủ đầu tư, coi chỉ tiêu giải ngân là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm và xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của các đơn vị.
Ì ạch giải ngân nguồn vốn nước ngoài
Một điểm đáng chú ý nữa là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất thấp. Sau nhiều lần đôn đốc, đầu tháng 12.2022, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến với 13 bộ, ngành, 61 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân tháng cuối năm 2022.
Đến thời điểm đó, các bộ ngành, địa phương cũng chưa phân bổ hết vốn kế hoạch và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis. Số liệu từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng mới chỉ đạt 26,06% với 9.014,59 tỉ đồng; trong đó giải ngân của các bộ, ngành là 4.154 tỉ đồng (đạt 35,17%), giải ngân của các địa phương là 4.860 tỉ đồng (đạt 21,34%), thấp hơn nhiều so với giải ngân nguồn vốn vay trong nước do hơn 1/3 số dự án chưa giải ngân vốn.
Tự đánh giá khả năng giải ngân thấp, lúc đó nhiều địa phương đã xin trả lại vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài. Đến ngày 30.11.2022, có 8/13 bộ, ngành đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỉ đồng và 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỉ đồng.
Thời điểm đó đã xảy ra tranh luận về việc có cho các bộ, ngành, địa phương trả lại vốn hay không giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Bộ Tài chính, về mặt nguyên tắc, không cho phép hoàn trả vốn bởi với vốn ngoài nước đã được các nhà tài trợ thu xếp, nếu các địa phương trả lại, Việt Nam vẫn phải trả chi phí vốn (tiền lãi vay vốn hằng năm). Trước sự vào cuộc tháo gỡ và kiên quyết đốc thúc, đến ngày 31.12.2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cũng mới đạt 11.637,28 tỉ đồng, đạt 33,65% kế hoạch.
Con số tuyệt đối giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 nhưng tỉ lệ giải ngân lại thấp hơn năm 2021 và đặc biệt là tỉ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chỉ đạt vỏn vẹn 33,65% là hai vấn đề cho thấy còn rất nhiều thách thức với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.