Giá xăng - lúc tăng thì "sốc", khi giảm thì nhỏ giọt
Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng, RON95 hạ 630 đồng. Trong khi đó, các mặt hàng dầu hạ thêm 560-1.670 đồng một lít, kg tuỳ loại so với cách đây 10 ngày.
Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21.3 là 28.330 đồng một lít; RON 95 là 29.190 đồng. Sau 7 lần tăng gần đây và 6 lần liên tiếp (nếu tính từ đầu năm 2022), đây là đợt giảm giá đầu tiên của mặt hàng thiết yếu này.
Việc giá xăng chỉ giảm khoảng hơn 600 đồng mỗi lít tuỳ loại, trên các diễn đàn, nhiều người thắc mắc tại sao giá xăng giảm ở mức "khiêm tốn", chứ không "sốc" như lúc tăng, trong khi người dân rất kỳ vọng giá xăng sẽ giảm nhiều hơn, để phần nào giảm áp lực chi tiêu hằng ngày.
Một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trong nước tăng, giảm bao nhiêu phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới cùng với việc trích lập hoặc chi Quỹ bình ổn xăng dầu.
Trong nửa đầu chu kỳ 10 ngày kể từ sau phiên điều chỉnh hôm 11.3, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh. "Có thời điểm giá trong nước cao hơn giá thế giới 2.500 đồng/lít với giá xăng và gần 5.000 đồng/lít với giá dầu. Nhưng sau đó giá thế giới lại có xu hướng tăng trở lại, thu hẹp khoảng cách trên", lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu nói trên cho biết.
Quỹ bình ổn tác dụng tới đâu?
Theo lý giải của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3, nhưng sau đó lại có xu hướng tăng trở lại.
Ngoài ra còn một yếu tố khác ghìm mức giảm của giá xăng dầu kỳ này đó là việc thực hiện trích lập Quỹ bình ổn. Sau một thời gian dài tăng liên tục, cơ quan điều hành phải chi sử dụng quỹ bình ổn. Tại nhiều doanh nghiệp, quỹ bình ổn âm hàng trăm tỉ đồng.
Do vậy, tại kỳ điều chỉnh này, việc trích lập được cơ quan điều hành sử dụng. Cụ thể tại kỳ này, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 50 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.
Kỳ này, cơ quan điều hành ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng dầu sau một thời gian dài liên tục "xả". Bộ Công Thương cho biết để hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng quỹ cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 200 - 1.500 đồng/lít.
Do kỳ điều hành lần này giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước, khi số dư quỹ đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp quỹ đã âm) nên để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, 2 bộ mới quyết định bắt đầu trích lập.
Cũng liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu, tại Nghị quyết 25 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ. Đó vậy, khi xả quỹ ở mức độ cao, các doanh nghiệp có thị phần lớn và quỹ lớn sẽ chịu tác động rất mạnh.
Điều này cũng sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn - có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm, vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.