Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lại tăng thêm từ 1-4 USD/tấn, mặc dù trong 4 ngày trước đây, giá gạo của nước này đã tăng ở mức tương tự (1-4 USD/tấn).
Cụ thể, Thái Lan đã tăng giá chào bán gạo 5% tấm thêm 4 USD/tấn, gạo 25% và 100% tấm cùng chung mức tăng 1 USD/tấn. Ngày 26.1, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 414-418 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 16 USD/tấn; gạo 25% tấm Thái Lan: 400-404 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam 22 USD/tấn; gạo 100% tấm của Thái Lan có giá 375-379 USD/tấn, cao hơn gạ Việt Nam 47 USD/tấn.
Nhờ nguồn cung dồi dào, năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 7-7,5 triệu tấn gạo.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng đã đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo năm 2022 của Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam sẽ giảm. Trong đó Việt Nam, sau hai năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ lùi xuống vị trí thứ 3 với lượng xuất khẩu trong năm 2022 dự kiến khoảng 6,3 triệu tấn, xếp sau Ấn Độ và Thái Lan.
Trước số lượng gạo xuất khẩu giảm, Việt Nam tụt hạng về xuất khẩu gạo so với các quốc gia cạnh tranh là Ấn Độ, Thái Lan, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế đang diễn ra theo đúng Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” của Việt Nam, là đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng lúa sẽ giảm và lượng gạo xuất khẩu cũng giảm, chỉ thực hiện khoảng 5 triệu tấn/năm. Ở giai đoạn này, Việt Nam chú trọng xuất khẩu gạo chất lượng cao có giá trị kim ngạch lớn, giảm bớt số lượng gạo xuất khẩu hàng năm và chú trọng thị trường trong nước.
Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Pakistan được điều chỉnh giảm 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 25% tấm, giá gạo 100% tấm giữ nguyên.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ổn định ở mức 338-342 USD/tấn (gạo 5% tấm), 323-327 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 293-297 USD/tấn (gạo 100% tấm).