Dịp Tết Nguyên đán 2024 này, mỗi ngày gia đình bà Trần Thị Thanh (51 tuổi, trú thôn Bình, xã Thạch Hưng) làm 30.000 đến 50.000 chiếc bánh đa nem.
Bà Thanh cho biết, nhu cầu dùng bánh đa nem dịp Tết rất cao, “làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”. Tuy nhiên, điều khiến bà Thanh cũng như nhiều gia đình làm nghề bánh đa nem chưa vui là do giá gạo cao nên lợi nhuận không lớn.
“Năm ngoái giá gạo 10.000 đồng/kg thì giá bánh đa nem 16.000 đồng/100 cái nhưng năm nay giá gạo đến 15.000 đồng/kg, trong khi giá bánh đa nem vẫn chỉ tăng nhẹ là 18.000 đồng/100 chiếc bánh” - bà Thanh chia sẻ.
Ngoài giá gạo cao, bà Thanh còn tâm tư khi hiện nay đô thị hóa tăng nhanh, không gian phơi bánh ngày càng bị thu hẹp, khiến người dân làng nghề làm bánh đa nem đang lo lắng cho tương lai của làng nghề này.
Ông Phan Văn Vượng (65 tuổi) đang phơi bánh đa nem cho cơ sở sản xuất bánh đa nem của con gái mình là chị Phan Thị Oanh ở thôn Bình, xã Thạch Hưng - chia sẻ, mỗi ngày cơ sở của con gái ông làm 60.000 chiếc bánh.
Bánh được làm bằng máy, mỗi ngày thời tiết có nắng là làm 2 lần, một lần vào sáng sớm, một lần vào gần trưa.
“Bánh làm không kịp để cung cấp cho thị trường dịp Tết nhưng mà giá gạo cao quá nên lợi nhuận cũng không được như mong muốn” - ông Vượng chia sẻ.
Ông Vượng cũng lo ngại khi không gian phơi bánh ngày càng thu hẹp dần do đô thị hóa, xây dựng khu dân cư, nhà ở.
Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Hưng, những năm gần đây, nhiều hộ dân thôn Bình đã đầu tư máy tráng bánh nên tráng được số lượng lớn và đỡ sức người.
Mặc dù sản xuất bằng máy cho số lượng lớn nhưng dịp Tết nhu cầu thị trường tiêu thụ cao nên bà con sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.
Hiện toàn thôn Bình có gần 90 hộ sản xuất bánh đa nem chiếm gần 85% số hộ dân toàn thôn, trong đó đã có khoảng 30 hộ sử dụng dụng máy tráng bánh. Làng nghề này ở thôn Bình giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Cũng theo lãnh đạo xã Thạch Hưng, thời gian tới, xã này sẽ tổ chức, sắp xếp lại sản xuất ngành nghề sản xuất bánh đa nem, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm.
Xã cũng chú trọng xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.