Cần sự minh bạch
Sáng 30.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình những tháng đầu năm 2019. Một trong những nội dung tiếp tục làm “nóng” nghị trường là vấn đề tăng giá điện.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – đoàn Ninh Thuận thẳng thắn: Từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà, giá điện luôn luôn tuân theo quy trình bất biến là: tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều mà họ cần là sự công bằng, minh bạch.
Ông cho rằng, người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện là 8,36% như doanh nghiệp công bố là không chuẩn xác, bởi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong những tháng đầu tiên tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3.
Cũng theo đại biểu Cương, EVN cho rằng giá điện của Việt Nam thấp so với các nước nhưng đó là so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào. Đại biểu phản biện lại là, EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ, chưa kể đến thu nhập đầu người của Việt Nam thấp.
“Ở một nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn thì sao chẳng thấy ai so sánh" - ông Cương nói.
Đại biểu này đề nghị cần sớm công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện; có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào?
Giá điện tăng có thể đẩy lạm phát tăng cao
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khiến họ bức xúc.
“Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng té nước theo mưa để tăng giá các mặt hàng khác khi giá điện tăng”- nữ đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu - cũng đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, cộng việc thuế môi trường với xăng cũng tăng từ đầu năm, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường. “Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát"- đại biểu Yến kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau, cũng cho rằng việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức không tăng.
"Việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ. Đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện và công bố công khai để người dân được biết" - đại biểu đoàn Cà Mau kiến nghị.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, chuyển biến về kinh tế-xã hội. Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, là mức cao nhất trong 11 năm gần đây.
Hai trong số các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%.
Nhiều vi phạm pháp luật và tội phạm đã được phát hiện, xử lý nghiêm; một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, liên quan đến một số cán bộ cấp cao được phát hiện và khởi tố, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân.
Chính phủ cũng đưa ra các nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh 3 trọng tâm ưu tiên là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là dự án trong lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin...