Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,07%, lên mức 93,92 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,17%, lên mức 90,92 USD/thùng.

Tuần trước, cả 2 loại dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 4%, chịu tác động mạnh bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tới 1,3 triệu thùng/ngày trong ba tháng cuối năm thay vì chỉ trong tháng 10.
Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức 95 USD/thùng như những dự báo trước đó mà chính sự thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên mốc 100 USD/thùng, thậm chí vượt mốc vào cuối năm nay.
Cũng trong tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ xăng, dầu và sản phẩm chưng cất của nước này kết thúc vào ngày 8.9 tăng lần lượt là 4 triệu thùng; 5,6 triệu thùng và 3,9 triệu thùng.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,6% và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, CPI lõi tăng 0,3% trong tháng 8 và 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù CPI lõi tăng nhưng theo các nhà phân tích khả năng cao tại cuộc họp trong tuần này (20.9), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất.
Ngày 14.9, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức cao kỷ lục kể từ khi đồng euro ra mắt năm 1999. Đây là lần tăng lãi suất cơ bản thứ 10 liên tiếp của ECB trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ lần thứ 2 trong năm nay để tăng cường thanh khoản và hỗ trợ phục hồi kinh tế nước này.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18.9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.871 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.055 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.188 đồng/lít; dầu mazut không quá 17.704 đồng/kg.