Một doanh nghiệp tại TP.Cẩm Phả vừa được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp giấy phép cho khai thác khoảng 3,5 triệu m3 đất đá thải mỏ của Tổng Công ty Đông Bắc để san lấp mặt bằng dự án khu đô thị.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả – hiện, doanh nghiệp này đã vận chuyển được khoàng vài trăm nghìn m3 từ khai trường mỏ để san lấp mặt bằng.
Như vậy, tính đến nay đã có 2 công trình, dự án xây dựng sử dụng đất, đá thải từ quá trình khai thác than để san lấp mặt bằng. Trước đó, khoảng 700.000 m3 đất, đá thải mỏ đầu tiên được vận chuyển từ bãi thải mỏ của Công ty CP than Núi Béo, TP.Hạ Long để sử dụng để san lấp mặt bằng cho Dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc sử dụng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình, dự án xây dựng là chủ trương lớn của Quảng Ninh, trong bối cảnh địa phương này đang cần số lượng lớn về nguyên liệu san lấp mặt bằng, nhưng không thể cứ tiếp tục khai thác tài nguyên thiên nhiên cho mục đích này.
Ước tính, để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, mỗi năm Quảng Ninh cần ít nhất 100 triệu m3 đất, đá, cát… Để giải quyết bài toán này và hạn chế phá đồi, xẻ núi lấy nguyên liệu san lấp mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc đã thống nhất sử dụng đất, đá thải mỏ.
Hiện, Quảng Ninh có trữ lượng khoảng 1,5 tỉ m3 đất, đá thải mỏ. Hàng năm, các mỏ than phát sinh hơn 100 triệu m3 đất đá thải, đang chiếm ngày càng nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và sạt lở đất.
Tuy nhiên, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, do đất đá thải mỏ than đang được xem và quản lý như tài nguyên khoáng sản đi kèm than.
Theo ông Trần Như Long – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh – nếu coi đất, đá thải mỏ là chất thải rắn thông thường thì quy trình, thủ tục sẽ đơn giản, ngắn gọn đi rất nhiều.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo với Chính phủ, trong đó đề xuất coi đất đá thải mỏ than không phải là khoáng sản, mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nguyên vật liệu để san lấp mặt bằng cũng không mặn mà với đất, đá thải mỏ do việc vận chuyển khó khăn, khiến giá thành tăng cao.