Du lịch Việt Nam phát triển hàng đầu ở Đông Nam Á
Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.
Ngày 7.10.2023, phát biểu tại "Đại hội Công nghiệp du lịch Quốc gia” lần thứ I - National Tourism Industry Summit, ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam nhấn mạnh:
"Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi tôi đã ghé thăm. Nếu so sánh, Việt Nam không hề thua kém các nước.
Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp” - Andrew Goledzinowski phát biểu.
TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP hưởng ứng Nghị quyết 08-NQ/TW đến các cấp, các ngành phối hợp cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo; phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.
"Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển du lịch, có chính sách hút du khách du lịch” - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Để du lịch không dừng lại ở mức độ dịch vụ
Thời gian qua, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế du lịch, nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh, có năm du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á, chiếm 80% lượng khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam.
Ngành du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 60 năm ngành du lịch Việt Nam.
TS.Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng, National Tourism Industry Summit chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương. Các diễn đàn chuyên sâu được chia sẻ như: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp của tương lai; quảng bá và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; du lịch - xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia; triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; du lịch làm đẹp và chữa bệnh; du lịch nông nghiệp…
"Đặc biệt, National Tourism Industry Summit cũng có góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Quốc gia" - TS Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.
National tourism industry summit được tổ chức nhân ngày Du lịch Thế giới (27.9) và chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10); sự kiện góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển xã hội hóa du lịch; hướng tới du lịch và đầu tư xanh; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".