Nhiều con số tích cực
Ngày 17.4, ông Lê Anh Kiệt - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Đà Lạt, cho biết trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ 9-11.4), TP.Đà Lạt đón khoảng 50 ngàn du khách, trong đó có 1.000 khách quốc tế.
Theo ông Lê Anh Kiệt, tổng số khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại TP.Đà Lạt đạt khoảng 50.000 lượt khách, trong đó qua lưu trú có 35.000 lượt và có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Đà Lạt, sắp tới, tỉnh Lâm Đồng tổ chức sự kiện Tuần lễ du lịch vàng Lâm Đồng 2022 (từ ngày 23-30.4) với chủ đề “Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng” bao gồm các chuỗi hoạt động hấp dẫn, phong phú. Dự kiến, Đà Lạt sẽ đón khoảng hơn 180.000 lượt khách tham quan nghỉ dưỡng trong tuần lễ này.

Những con số nói trên là điều đáng vui mừng cho ngành du lịch Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sau thời gian “đóng băng” do dịch COVID-19.
Nhiều kế hoạch phát triển dài hơi
Thực tế, quá trình mở cửa du lịch, Đà Lạt phải đối mặt với nhiều tồn tại như cách làm du lịch ăn xổi, mì ăn liền. Cụ thể, tình trạng chen lấn, thiếu phòng trong những ngày cao điểm xuất hiện liên tục trong nội thành Đà Lạt.
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết trong kế hoạch chung, đơn vị đang xây dựng ra các kế hoạch khôi phục lại ngành du lịch theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng các loại hình dịch vụ, hướng tới việc thí điểm phát triển du lịch theo hướng kinh tế ban đêm.
Nếu như trước đây, Đà Lạt đón du khách nhỏ lẻ, manh mún thì hiện nay, ngành du lịch đang có các kế hoạch phân tầng du khách theo từng nhóm đối tượng.

Theo đó, các điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ được đầu tư nhằm thu hút một lượng du khách có thu nhập tốt. Mục tiêu là tạo sự đa dạng trong các loại hình du lịch, từ đó, đẩy mạnh chi tiêu của du khách.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Vân, hiện nay ngành du lịch đang đề xuất với các địa phương lân cận, UBND TP.Đà Lạt sớm xây dựng quy hoạch các điểm dã ngoại, cắm trại công cộng.
“Việc quy hoạch các điểm cắm trại không những giải quyết vấn đề cháy phòng nghỉ mỗi dịp lễ tết mà còn giúp địa phương dễ dàng quản lý du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự” – ông Nguyễn Viết Vân chia sẻ.
Cùng với việc mở rộng các điểm lưu trú ra các địa phương lân cận, Đà Lạt cũng tính mở phố đi bộ ven hồ Xuân Hương. Theo UBND TP Đà Lạt, phố đi bộ sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật; chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ...
Đồng thời, ở đây có các hoạt động mua sắm với mô hình các toa xe lửa trang trí đẹp, bố trí toa xe uốn lượn theo cung đường, hài hòa cảnh quan khu vực, kinh doanh ẩm thực nhẹ, đặc sản địa phương. Nơi đây cũng tổ chức tham quan mặt hồ, chở khách bằng thuyền từ quảng trường Lâm Viên sang phố đi bộ
Với dự án trên, TP.Đà Lạt sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm. Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện mô hình theo phương án được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí vận chuyển.
Để thực hiện dự án trên, thành phố đang lên kế hoạch mở rộng tuyến đường để phố đi bộ có thể đưa vào hoạt động cuối năm 2024.
Ngoài phố đi bộ ven hồ Xuân Hương, trong chương trình phát triển kinh tế đêm, TP.Đà Lạt dự kiến lập chợ đêm ở công viên Ánh Sáng thay thế chợ đêm trước chợ Đà Lạt, khu vui chơi giải trí dưới hầm sân golf, khu phố ẩm thực Trần Lê...