“Dư chấn” đại dịch và bài toán tăng nguồn thu báo chí

Lam Duy |

Con số doanh thu của các cơ quan báo chí sụt giảm mạnh liên tiếp trong các năm qua cho thấy không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh tế báo chí cũng gặp nhiều khó khăn vừa do ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa chịu sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Doanh thu giảm 1.000 tỉ, phát hành đồng loạt sụt giảm

Thực tế ngay từ thời điểm cuối năm 2021, những khó khăn chồng chất của các cơ quan báo chí được ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu ra rất rõ trong báo cáo về công tác năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Theo đó, lĩnh vực báo chí được đánh giá có nhiều chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, liên tiếp các năm qua, những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động của cơ quan báo chí khiến kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh tế báo chí còn chịu sự chi phối và cạnh tranh gay gắt của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Các dữ liệu được Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - ông Trần Thanh Lâm - đưa ra cho thấy số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm, nhiều cơ quan báo chí phải giảm trang, giảm kỳ xuất bản, một số cơ quan báo chí phải tạm ngừng xuất bản bản in trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách tăng cường tại TPHCM, nhiều cơ quan báo chí in không phát hành được đến tay người dân và cơ quan quản lý Nhà nước đã phải huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các cơ quan báo chí.

Muốn báo chí tự chủ được, phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh

Chia sẻ một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đưa ý kiến, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. “Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ tổng doanh thu những năm qua giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỉ đồng, năm 2021 là 1.952 tỉ đồng). Không nằm ngoài xu hướng giảm chung của khối báo, tổng doanh thu khối tạp chí cũng giảm dần từng năm với 307 tỉ đồng trong năm 2019, giảm còn 259 tỉ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỉ đồng.

Sức bật từ chính sách đặt hàng báo chí

Trong bối cảnh những “dư chấn” của đại dịch vẫn ảnh hưởng nặng nề và khiến doanh thu phát hành, quảng cáo của các cơ quan báo chí sụt giảm, những đề xuất về miễn giảm thuế cho cơ quan báo chí cũng như cơ chế đặt hàng như thế nào nhằm tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý. Hội Nhà báo Việt Nam từng kiến nghị các cấp có thẩm quyền một số nội dung như miễn, giảm thuế cho các cơ quan báo chí; miễn phạt chậm nộp thuế cho các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên vào thời điểm đưa ra các kiến nghị trên, ông Hồ Quang Lợi - khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhìn nhận rằng, trên thực tế, chỉ những cơ quan báo chí có nguồn thu và doanh số đáng kể mới có thể thụ hưởng, còn những cơ quan báo chí không có nguồn thu cũng không nộp thuế. Do đó cần có các cơ chế hỗ trợ đặc thù hơn như cho các cơ quan báo chí được vay ưu đãi lãi suất 0%, hoặc lãi suất ở mức thấp, phù hợp điều kiện của các cơ quan báo chí để trả lương và duy trì hoạt động; tiếp tục tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí, thực hiện các chuyên đề, tăng cường đặt mua báo bằng ngân sách. Còn về lâu dài, ông Hồ Quang Lợi cho rằng đối với bài toán kinh tế báo chí, có lẽ cần một đề án tổng thể tầm mức quốc gia, đòi hỏi có sự chủ trì và tham gia của các bộ, ngành liên quan mới có thể giải quyết được.

Đài PTTH Lào Cai và UBND huyện Bắc Hà ký kết chương trình hợp tác truyền thông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: THLC
Đài PTTH Lào Cai và UBND huyện Bắc Hà ký kết chương trình hợp tác truyền thông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: THLC

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh định hướng quan tâm đến chính sách đặt hàng cho báo chí (nhất là các tờ báo lớn, các đài lớn), tăng hỗ trợ đặt hàng báo chí từ 0,5% đến 0,65%/năm từ nguồn ngân sách của các bộ, ngành, địa phương hằng năm mà không phải xin thêm từ Chính phủ. Câu chuyện tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí lên 0,65%/năm sẽ tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ báo chí cách mạng.

Với định hướng này, Bộ TTTT mới đây cũng vừa có văn bản số 837, trong đó đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa theo quy định của pháp luật cho hoạt động truyền thông chính sách, tăng cường đặt hàng đối với các cơ quan báo chí - truyền thông thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu, tăng kinh phí đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách cho cán bộ, tăng kinh phí đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin để rà quét, phân tích, đánh giá xu hướng thông tin, thăm dò dư luận, đánh giá tác động truyền thông trong quá trình hoạch định, ban hành, thực thi chính sách....

Thực tế với nhiều cơ quan báo chí, chính sách đặt hàng báo chí đang tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu nguồn thu. Như tại Đài Phát thanh truyền hình (PTTH) Lào Cai, với định mức kỹ thuật và đơn giá do UBND tỉnh ban hành, đài ký kết hợp tác truyền thông với các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, đem về nguồn thu năm 2021 thêm gần 6 tỉ đồng và dự kiến nguồn thu này sẽ tăng lên 7 đến 8 tỉ đồng. Đời sống của người lao động sau khi chuyển sang đặt hàng tuyên truyền cũng được nâng lên, thu nhập ngoài lương như nhuận bút, thù lao, thu nhập tăng lên khoảng 2 lần so với năm 2017.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Anh - Giám đốc Đài PTTH Lào Cai: “Là một trong những đài tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và một phần chi đầu tư thông qua chuyển sang cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền, chúng tôi hiểu rằng áp dụng việc đặt hàng không phải là chìa khoá vạn năng, nhưng là động lực, là cơ hội quan trọng, thậm chí là sức ép cần thiết để phá băng sự xơ cứng trong hoạt động của đơn vị. Đây cũng là cơ sở ban đầu để đài nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc tham gia chỉ định thầu, đấu thầu các dự án truyền thông không sử dụng ngân sách nhà nước”.

Trước những khó khăn và biến động về kinh tế xã hội do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vực dậy nền kinh tế, động viên những nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có báo chí. Bộ TTTT đã chủ động dành 11 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để đặt hàng đối với hàng chục cơ quan báo chí sản xuất tin, bài về phòng chống đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ cũng giao 58 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục đặt hàng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tìm nguồn bù đắp từ thu phí báo chí

Cùng với cơ chế đặt hàng báo chí, quá trình chuyển đổi số và những ứng dụng công nghệ hiện đại mới đang cho phép nhiều tờ báo trong nước thí điểm triển khai mô hình báo chí thu phí như một giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu.

Theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - một số khảo sát toàn cầu cũng cho thấy, doanh thu từ quảng cáo trên báo chí đang ngày càng giảm, 70%-80% doanh thu quảng cáo trên internet những năm trở lại đây đều “rơi vào túi” các “ông lớn” công nghệ, như Google hay Facebook. Chính vì vậy trang chủ của các tờ báo không còn là mảnh đất màu mỡ thu hút các doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền quảng cáo; không những vậy, người đọc báo điện tử hiện đều có xu hướng cài đặt phần mềm chặn quảng cáo (ad-block) khi lướt web. Điều này khẳng định, ngày nay, mô hình kinh doanh báo chí dựa trên nguồn thu quảng cáo không bền vững.

Trước những áp lực về doanh thu và sớm nắm bắt xu hướng thay đổi trên, nhiều tòa soạn trên thế giới bắt đầu áp dụng hình thức thu phí người dùng từ những năm 2000, điển hình như các cơ quan báo chí lớn trên thế giới, như New York Times, Financial Times, The Economist... Các khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters và Đại học Oxford thực hiện trong báo cáo “Dự đoán và xu hướng của báo chí, truyền thông và công nghệ 2018” cũng nhắc đến 7 xu hướng báo chí và một trong số đó là xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh báo chí, từ thu phí quảng cáo sang thu phí người đọc.

Chợ báo sáng tại phố Đinh Lễ, Hà Nội. Ảnh: L.Đ
Chợ báo sáng tại phố Đinh Lễ, Hà Nội. Ảnh: L.Đ

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang, để đạt được mục đích khiến công chúng phải trả phí, các tờ báo cần có chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng cụ thể bằng những gói thuê bao, chương trình ưu đãi, lời mời chào hấp dẫn. Như tại Mỹ, tỉ lệ các tờ báo áp dụng bức tường phí và không áp dụng bức tường phí có sự chênh lệch lớn. Theo thống kê của Viện Báo chí Mỹ, tính đến tháng 2.2016, có đến 78% tờ báo áp dụng bức tường phí, trong đó bức tường phí mềm được ưa chuộng hơn cả. Còn theo Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford) công bố năm 2019, 69% trong số 212 cơ quan báo chí lớn nhất ở 7 quốc gia đang áp dụng mô hình thu phí báo mạng điện tử.

Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa có cơ quan báo chí nào thực sự thành công trong bước đi chuyển đổi thu phí người đọc. PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang dẫn thông tin, ngày 20.6.2018, VietnamPlus là tờ báo mạng điện tử đầu tiên áp dụng hình thức này. Ngày 29.3.2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến, trở thành tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí người đọc. Đến ngày 15.6.2021, báo VietNamNet triển khai thu phí chuyên mục VietNamNet Premium với những bài viết chuyên sâu về các vấn đề nóng của xã hội, kèm theo là những dữ liệu, biểu đồ được dày công thu thập, xây dựng để giúp công chúng có cái nhìn trực quan, sinh động.

Vào thời điểm Tạp chí điện tử Ngày nay ra mắt báo thu phí trực tuyến, nhà báo Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhìn nhận: “Thu phí độc giả cho nội dung digital là một xu hướng nổi bật của báo chí thế giới trong khoảng 10 năm qua, là một trong nhiều phương thức đa dạng hóa nguồn thu của các cơ quan báo chí trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo nói chung, đặc biệt là trên báo in, giảm sút nghiêm trọng. Đừng nên chạy theo kiểu làm báo dựa vào thuật toán, lôi kéo độc giả bằng thông tin gây sốc, đừng tính hiệu quả của một bài báo bằng cách đếm lượt truy cập nữa. Xây dựng được nhóm người dùng trung thành, sẵn sàng bỏ tiền để đọc những nội dung hữu ích mới là con đường phát triển bền vững của báo chí hiện đại”.

Khi nói về việc VietnamPlus trở thành cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital, ông Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho biết, trong số hơn 200 tin, bài phát mỗi ngày, chỉ có một phần nhỏ (từ 5 đến 10 bài) được thu phí. Đó là những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền… do tòa soạn tự sản xuất hoặc dịch, khai thác theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Vì vậy, việc này không gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ cung cấp thông tin thiết yếu cho độc giả. Tòa soạn xác định kiên trì lâu dài với chiến lược đặt trọng tâm vào nguồn thu từ độc giả thay cho quảng cáo.

“Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Một trong những việc quan trọng hàng đầu là phải bảo vệ được bản quyền” - Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh tại diễn đàn “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”.

Từ thực tế trên đây, theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang, mô hình thu phí công chúng ở Việt Nam mới chỉ là sự khởi đầu và còn rất nhiều thách thức phía trước, cần có thêm thời gian để hình thức trên trở nên phổ biến hơn, dù rằng đây là một xu hướng phát triển tất yếu của báo chí thế giới và Việt Nam.

Công chúng vẫn đang quen với tiếp nhận thông tin miễn phí

Để công chúng quyết định trả tiền cho tin tức, họ cần có niềm tin và sự trung thành với tờ báo. Đồng thời, tờ báo phải lấy niềm tin và sự trung thành của công chúng làm mục đích trung tâm để sản xuất các sản phẩm báo chí. Khi có niềm tin của công chúng, hình thức thu phí mới có hiệu quả và tờ báo sẽ phát triển được dựa trên mô hình này. Do đó, việc cải thiện niềm tin dựa vào chất lượng các sản phẩm, tác phẩm báo chí có vai trò quyết định tới thành công của hình thức thu phí công chúng.

Một vấn đề khó khăn theo PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang là dù ở Việt Nam hay trên thế giới, công chúng cũng đều quen với tiếp nhận thông tin miễn phí, đồng nghĩa với việc họ không quen là công chúng trung thành. Năm 2010, The Times có 105.000 công chúng trung thành, nhưng cũng mất tới 4 triệu công chúng/tháng so với trước khi ứng dụng hình thức thu phí. Hay với The New York Times, trước khi có một chiến lược thu phí hợp lý, tờ báo này từng phải dừng dịch vụ thu phí sau 2 năm đầu do thua lỗ.

Lam Duy
TIN LIÊN QUAN

Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác

Linh Anh |

Cách đây 60 năm, vào tháng 9.1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện quan trọng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những nhà báo. Sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề Bác đặt ra với người làm báo cũng như với báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Đặc biệt là vấn đề phê bình và tự phê bình của báo chí.

Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí

TRẦN TUẤN |

Hà Nội - Các diễn giả tham luận tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra sáng 11.6 đều nhấn mạnh: Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí.

Hội báo toàn quốc 2022: Tôn vinh nền Báo chí cách mạng Việt Nam

Quốc Khánh - Linh An |

Ngày 13.4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn".

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác

Linh Anh |

Cách đây 60 năm, vào tháng 9.1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện quan trọng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những nhà báo. Sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề Bác đặt ra với người làm báo cũng như với báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Đặc biệt là vấn đề phê bình và tự phê bình của báo chí.

Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí

TRẦN TUẤN |

Hà Nội - Các diễn giả tham luận tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra sáng 11.6 đều nhấn mạnh: Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí.

Hội báo toàn quốc 2022: Tôn vinh nền Báo chí cách mạng Việt Nam

Quốc Khánh - Linh An |

Ngày 13.4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn".