"Đội lốt" hoa quả ngoại lừa người tiêu dùng

Nhóm PV |

Được quảng cáo là hoa quả ngoại, hàng nhập khẩu 100%, cam kết nguồn gốc rõ ràng, thế nhưng rất nhiều loại trái cây được bày bán trong các chuỗi cửa hàng “có tiếng” ở Hà Nội vẫn nhập nhèm về nguồn gốc, giá cả.

Lời tòa soạn: Trên thị trường đang bày bán rất nhiều loại hoa quả nhập ngoại, tràn từ siêu thị ra đến vỉa hè. Các cửa hàng thương hiệu hoa quả nhập khẩu thi nhau mọc lên như nấm, nằm san sát trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội.

Sau nhiều ngày điều tra, nhóm PV Lao Động đã bóc trần thủ đoạn “hô biến” hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thành hàng nhập ngoại, để bán cho người tiêu dùng với mức giá "trên trời". Với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, các cửa hàng, hệ thống hoa quả nhập khẩu thu lãi bạc tỉ, còn người dùng đang bị móc túi không thương tiếc.

Lạc trong “mê hồn trận” hoa quả ngoại, mập mờ giá cả, nguồn gốc.

Trong vai khách hàng, chúng tôi tìm đến cửa hàng Fresh Fruits có địa chỉ tại 296 Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là một trong những thương hiệu nổi tiếng chuyên cung cấp các loại hoa quả nhập ngoại, với chuỗi cửa hàng phân phối xuất hiện dày đặc trên các con phố.

Khi hỏi mua dâu tây, chúng tôi được nhân viên tại đây giới thiệu loại dâu được trồng và nhập khẩu từ Nhật Bản, bán với giá 199.000 đồng/hộp có trọng lượng khoảng 100 gr. Dù được quảng cáo là “hàng Nhật xịn”, nhưng điều kỳ lạ là trên vỏ hộp dâu tây này lại xuất hiện dày đặc chữ Trung Quốc (dịch sang tiếng Việt là cực phẩm dâu tây Song Lưu- PV). Hơn nữa, chất lượng hộp dâu này rất kém, qua quan sát thì thấy hầu hết các quả đã bị thối, mốc và lên men.

Dù được quảng cáo là dâu Nhật nhưng trên vỏ hộp lại dày đặc chữ Trung Quốc
Dù được quảng cáo là dâu Nhật nhưng trên vỏ hộp lại dày đặc chữ Trung Quốc

Khi được hỏi về các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của loại loại dâu tây này, nhân viên tại cửa hàng trả lời lòng vòng, luôn miệng khẳng định là hàng nhập khẩu, đã bán nhiều năm nay, hàng bán rất chạy và không ai “đòi” xem giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ. Các loại táo, đào, lê, nho, dưa sữa… cũng được nhân viên của cửa hàng quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Nhật.. có giá lên tới vài trăm đến hàng triệu đồng/kg.

Nghi ngờ về nguồn gốc của loại hoa quả này, chúng tôi quyết định mua hộp dâu tây tại Fresh Fruits và mang ra Chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) – một trong những vựa hoa quả lớn nhất miền Bắc - để nhờ các tiểu thương thẩm định. Khi nghe giá của hộp dâu tây, tiểu thương nào cũng phải “giật mình”.

Một tiểu thương có thâm niên buôn hoa quả hơn 20 năm ở chợ cho biết, đây là dâu trái vụ của Đà Lạt, quả nhỏ và không đỏ, giá chỉ 50.000 đồng – 70.000 đồng/hộp.

“Mùa này không có dâu tây Nhật Bản đâu. Đây là dâu trồng ở Việt Nam, nhưng được đội lốt hàng nhập khẩu. Chỉ cần làm giả cái vỏ là được, ở đây làm được hết” - tiểu thương tại chợ hoa quả Long Biên nhiều lần khẳng định.

Tiếp tục tìm đến một sạp hàng khác đang bày bán dâu tây ở chợ Long Biên, chúng tôi phần nào hiểu vì sao các tiểu thương lại giật mình đến như vậy. Một nam nhân viên tên T cho biết, hộp dâu tây của chúng tôi vừa mua tại Fresh Fruits giống y hệt hộp của họ. Nguồn gốc sản phẩm được người này tiết lộ “ở bên bển”.

"Tức là hàng Trung Quốc đấy, hàng nội địa Trung. Hàng này bây giờ khá hiếm, về lô nào hết lô đấy. Mỗi một thùng có 50 hộp, giá 1 triệu đồng/thùng (20.000 đồng/hộp), còn mua lẻ có giá 25.000 đồng/hộp"- người này nói.

Hộp dâu tây Nhật Bản lại có vẻ ngoài giống hệt dâu tây Trung Quốc được bày bán ngập tràn khắp các gian hàng tại chợ Long Biên
Hộp dâu tây được bày bán tại khắp các gian hàng tại chợ Long Biên với mức giá rẻ chỉ 20.000 đồng/hộp.

Sau khi khảo sát tại chợ Long Biên, chúng tôi quay lại cửa hàng Fresh Fruits, địa chỉ 296 Cầu Giấy, Hà Nội, tiếp tục truy vấn nhân viên tại đây về nguồn gốc xuất xứ của hộp dâu tây và các loại hoa quả khác.

Sau một hồi quanh co, nhân viên vẫn không thể khẳng định hộp dâu tây có nguồn gốc ở đâu và kết nối cho chúng tôi nói chuyện với một người tên Điệp – tự xưng là quản lý của Fresh Fruits 296 Cầu Giấy. Sau khi bị truy vấn, người này vội vàng lấp liếm: “Đây là dâu tây Việt Nam, được xuất sang Trung Quốc, rồi xuất sang Nhật Bản và lại được nhập về Việt Nam".

Nói lòng vòng một hồi, Điệp lại thừa nhận: Đây là hàng Việt Nam đóng gói bao bì của loại dâu Trung Quốc. Cửa hàng bán kèm cùng loại hoa quả khác và được gắn mác nhập khẩu. "Chị hủy giúp em hộp dâu đó đi, khi nào có hàng xịn về, cửa hàng sẽ đền lại chị. Không phải loại hoa quả nào ở cửa hàng cũng là hàng bán kèm như thế đâu, cũng có nhiều hàng xịn lắm" - Điệp nhanh nhảu nói.

Mỗi ngày, chuỗi cửa hàng Fresh Fruits ở khắp các con phố của Hà Nội luôn tấp nập lượng khách ra vào mua sắm, mang theo niềm tin thương hiệu hoa quả nhập khẩu càng lớn thì càng làm ăn uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Bao nhiêu người trong số các thực khách truy hỏi cặn kè nguồn gốc của các loại hoa quả mà mình bỏ tiền triệu ra mua? Và lợi dụng lòng tin, tâm lý sính hàng ngoại, người bán đã sử dụng chiêu trò tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng.

Lạc trong "ma trận" hoa quả ngoại, giá trên trời - nguồn gốc mập mờ

Sau khi biết sự thật loại dâu tây được bán ở Fresh Fruits với giá 2 triệu/kg thực chất là "hàng gắn mác Nhật Bản" để lừa người tiêu dùng, chúng tôi tiếp tục đi tìm nguồn gốc của các loại hoa quả được quảng cáo là "hàng Mỹ, Úc, Nhật, Hàn"... đang được bán tràn lan từ các chuỗi cửa hàng hoa quả nổi tiếng cho đến các sạp hàng trong chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Và điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được là có rất nhiều loại hoa quả được quảng cáo là hàng nhập ngoại, nhưng không rõ nguồn gốc, được "hét" với mức giá vô cùng khác nhau.

Tại cửa hàng Fresh Fruits, 160 đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua lựu, hai nhân viên cửa hàng đồng thanh bảo “có” nhưng mỗi người lại nói một xuất xứ khác nhau. Người thì bảo đó là lựu Peru, người lại bảo là lựu Ai Cập. Cùng mặt hàng này, cùng trong chuỗi cửa hàng Fresh Fruits ở các địa chỉ khác nhau lại nói một giá khác nhau.

Chẳng hạn, cửa hàng Fresh Fruits trên đường Cầu Giấy bán lựu Peru với giá 450.000 đồng/kg, nhưng tại Fresh Fruits, địa chỉ 160 phố Trung Kính bán với giá 750.000 đồng/kg.

Với mặt hàng dưa lưới Nhật Bản, cũng được bán nhiều loại giá rất khác nhau. Fresh Fruits ở Cầu Giấy bán giá 250.000 đồng/kg; Fresh Fruits, địa chỉ 50 Nguyễn Chí Thanh lại bán với giá 200.000 đồng/kg; cửa hàng hoa quả nhập khẩu DP Fruits, địa chỉ 175 Trung Kính bán 120.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại cửa hàng Fresh Fruits ở 160 đường Trung Kính bán với giá cao chót vót, lên tới 380.000 đồng.

Hay mặt hàng nho sữa được quảng cáo là nhập khẩu Hàn Quốc, ở cửa hàng Fresh Fruits, 50 Nguyễn Chí Thanh, bán với các mức giá dao động từ 400.000 đồng – 1 triệu đồng. Cũng với mặt hàng này, tại cửa hàng hoa quả nhập khẩu MT Fruits (Công ty CP Xuất nhập khẩu MT), địa chỉ ở 44 Hồ Tùng Mậu, đang bán với giá 750.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên vỏ sản phẩm dày đặc chữ Trung Quốc. Khi hỏi tại sao nho Hàn mà trên vỏ lại có chữ Trung Quốc, thì nhân viên ở đây không giải thích được.

 
Nho sữa ở cửa hàng hoa quả nhập khẩu MT Fruits được quảng cáo là hàng Nhật Bản, nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cứ thế, trong vai là những người tiêu dùng, chúng tôi lạc trong “ma trận” hoa quả ngoại. Khi được hỏi cặn kẽ về nguồn gốc, mỗi nơi trả lời một kiểu và có điểm chung là nhân viên đều không đưa ra các giấy tờ để chứng minh được xuất xứ của hàng hóa.

Tuy nguồn gốc mập mờ nhưng giá bán thì "trên trời", cao gấp nhiều lần các loại hoa quả của Việt Nam nhờ có mác "hàng nhập ngoại". Và theo điều tra của Lao Động, hàng loạt loại hoa quả chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu về Việt Nam nhưng bằng cách nào đó vẫn đang được bày bán công khai tại khắp các cửa hàng lớn nhỏ. Để biết rõ góc khuất đằng sau những chiêu trò tinh vi này, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên Lao Động.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Cách chọn trái cây nhập khẩu an toàn và chất lượng cho gia đình

Bạch Dương (T/H) |

Nhiều người ưa chuộng sử dụng trái cây nhập khẩu và lựa chọn theo cảm quan. Vậy làm sao để chọn được hoa quả nhập khẩu chất lượng, an toàn?

Hoa quả dồn dập được chở lên, cửa khẩu ở Lạng Sơn ùn ứ hơn 1.600 xe hàng

Vũ Long |

Hiện tại, 2 cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn là Hữu Nghị, Tân Thanh đang ùn ứ 1.631 xe hàng, chủ yếu là hoa quả tươi.

Trái cây vẫn tắc qua cửa khẩu với Trung Quốc: Làm sao để bớt những giọt nước mắt của nông dân?

CƯỜNG NGÔ |

Dưa hấu, thanh long, mít Thái giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đang được đổ đống bán lẻ tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tình trạng này xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay vẫn chưa chấm dứt; đòi hỏi các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Cách chọn trái cây nhập khẩu an toàn và chất lượng cho gia đình

Bạch Dương (T/H) |

Nhiều người ưa chuộng sử dụng trái cây nhập khẩu và lựa chọn theo cảm quan. Vậy làm sao để chọn được hoa quả nhập khẩu chất lượng, an toàn?

Hoa quả dồn dập được chở lên, cửa khẩu ở Lạng Sơn ùn ứ hơn 1.600 xe hàng

Vũ Long |

Hiện tại, 2 cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn là Hữu Nghị, Tân Thanh đang ùn ứ 1.631 xe hàng, chủ yếu là hoa quả tươi.

Trái cây vẫn tắc qua cửa khẩu với Trung Quốc: Làm sao để bớt những giọt nước mắt của nông dân?

CƯỜNG NGÔ |

Dưa hấu, thanh long, mít Thái giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đang được đổ đống bán lẻ tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tình trạng này xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay vẫn chưa chấm dứt; đòi hỏi các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.