Trước thực trạng này, Sở GTVT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô.
Vấn đề được đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kiến nghị là các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý là tình trạng xe “dù”, bến “cóc” và tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định...
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Cty cổ phần Vận tải ôtô Điện Biên, sau khi TP. Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, dường như tình trạng bến “cóc”, xe “dù” lại hoạt động thuận lợi hơn, đặc biệt là các khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát...
Doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ, nhưng loại hình xe hợp đồng thì lại lỏng lẻo, dẫn tới phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, gây mất trật tự an toàn giao thông...
Báo cáo về công tác xử lý xe “dù”, bến “cóc”, ông Trần Nhật Quang - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, chỉ riêng gần 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỉ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.
"Tuy nhiên, công tác kiểm tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng trong khi các phương tiện xe hợp đồng, đặc biệt là loại hình xe limousine áp dụng các thủ đoạn tinh vi, dừng đỗ đón khách ở các khu vực không bị cấm, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình này còn nhiều bất cập nên lực lượng chức năng cũng khó có cơ sở để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đang cấp 2 loại phù hiệu xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm" - ông Quang thông tin.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, không có chuyện thành phố buông lỏng mà tới đây sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xe "dù", bến "cóc", xe chạy sai luồng tuyến. Đồng thời, Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh biểu đồ hoạt động trên từng tuyến bảo đảm công khai, minh bạch giữa các đơn vị vận tải và các nhà xe đang khai thác cho phù hợp với điều kiện thực tế tại bến xe.
TP Hà Nội cũng đang làm việc với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để nghiên cứu, chuyển đổi các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh có cự ly dưới 100km thành các tuyến buýt kế cận nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các loại hình xe hợp đồng và phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân.