Tập trung kích cầu sức mua
Theo tìm hiểu của Lao Động, trong thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại củng cố thị trường tiêu thụ nội địa trước những biến động mạnh của thị trường quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo - chia sẻ, ngay từ đầu năm 2023, nhiều chuỗi bán lẻ đã phải gác lại mục tiêu lợi nhuận để tập trung đẩy mạnh doanh thu, nâng cao sức mua của người tiêu dùng trong nước.
Theo ông Phùng Thế Vinh, trước sự cắt giảm mua sắm của người tiêu dùng, doanh nghiệp đã đưa ra một loạt giải pháp như tổ chức hiệu quả xúc tiến thương mại, thúc đẩy kênh phân phối qua nền tảng số, thương mại điện tử, kết hợp với Chính phủ tăng cường truyền thông về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chú trọng đầu tư hiện đại hóa kênh phân phối, hiện diện trên 63 tỉnh thành.
Nhìn nhận xu hướng trên, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, thời gian gần đây các doanh nghiệp đã coi thị trường nội địa là "cứu cánh" quan trọng và mang lại doanh thu tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn... Trong khi đó, ông Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - nhận định, để có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh, điều chỉnh điều tiết để tiết kiệm chi phí cho việc duy trì hoạt động.
Tận dụng thị trường trong nước để phục hồi
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn quản trị McKinsey, dự kiến đến năm 2030, nhờ vào việc tăng tỉ lệ đô thị hóa và gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 37 triệu người tiêu dùng, giúp tăng tầng lớp tiêu dùng lên gần 74% so mức 40% năm 2020.
Số liệu của Tổng cục Thống kê tính chung 8 tháng của năm 2023 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỉ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước).
PGS -TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế cho biết, việc lựa chọn công cụ thuế để thúc đẩy thị trường là hợp lý về cả mặt lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, thu nhập người tiêu dùng vẫn thấp, có thể mức giảm thuế giá trị gia tăng 2% là chưa đủ và khâu thực thi cần phải lành mạnh hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 31.12.2023, đây được coi là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy thị trường trong nước phục hồi, tiêu dùng nội địa khởi sắc.