Doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư dự án
Thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Để huy động vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên sàn đã đẩy mạnh phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Mục tiêu huy động vốn chủ yếu nhằm tái cơ cấu nợ, mua bán hoặc đầu tư dự án nhằm chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho cơ hội mới.
Điển hình, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) vừa chào bán thành công 134,3 triệu cổ phiếu ra công chúng và thu về 1.343 tỉ đồng. Theo phương án sử dụng vốn, số tiền trên được dùng để đầu tư các dự án: Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội; Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh; Dự án Cadia Quy Nhơn. Một phần để “rót” vào các công ty con để thực hiện dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Thuận An 2 tại tỉnh Bình Dương.
Kết thúc quý I/2024, Phát Đạt báo lãi sau thuế hợp nhất 52,6 tỉ đồng, con số không quá cao nhưng kết quả này đã tăng mạnh 135% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của Phát Đạt cuối quý I ở mức 21.428 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, lên tới 57%, đạt 12.301 tỉ đồng.
Trong khi đó, tiền và tương đương tiền của Bất động sản Phát Đạt đã giảm tới 96% trong quý 1/2024, còn 19,3 tỉ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn khác cũng giảm 33%, còn 622,4 tỉ đồng. Ngược lại nợ phải trả tăng nhẹ 2,6%, lên mức 21.428 tỉ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của Phát Đạt âm đến 938 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức dương 931 tỉ đồng.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.000 tỉ đồng. Mục đích là để thanh toán các khoản nợ, M&A dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động.
Trong quý đầu năm 2024, Danh Khôi ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không có doanh thu; lãi sau thuế 2,6 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với con số âm 16,8 tỉ đồng cùng kỳ 2022.
Đáng nói, Danh Khôi gần như không còn tiền mặt, tính đến cuối tháng 3.2024, tổng cộng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 2.000 tỉ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 554 triệu đồng.
Huy động vốn nhằm thanh toán các khoản vay, tái cấu trúc nợ
Một “ông lớn” khác là Becamex IDC (Mã: BCM) cũng dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu, thu về tối thiểu 15.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến dùng gần 10.000 tỉ đồng để đầu tư dự án và góp vốn vào các thành viên hiện hữu; 5.066 tỉ đồng để tái cấu trúc tài chính.
Becamex IDC lên kế hoạch tăng vốn trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng khả quan. Kết thúc quý đầu năm, Becamex IDC báo lãi sau thuế 119 tỉ đồng, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước đó. Dòng tiền kinh doanh của Becamex IDC cải thiện tới 876 tỉ, trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.238 tỉ đồng.
Kinh doanh tăng trưởng, tài chính cải thiện, tuy nhiên nhu cầu về vốn của Becamex IDC vẫn ở mức cao khi doanh nghiệp muốn dồn lực phát triển các dự án như Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Cây Trường mở rộng...
Đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) đã hoàn tất việc chào bán hơn 101 triệu cổ phiếu, huy động hơn 1.220 tỉ đồng và tăng vốn lên 7.224 tỉ đồng. Số tiền huy động được, Đất Xanh dùng để các công ty thành viên thanh toán nợ trái phiếu, nợ vay, các khoản phải nộp Nhà nước,…
Kết thúc quý I/2024, Đất Xanh báo lãi sau thuế hợp nhất 77,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 117 tỉ đồng. Dòng tiền của doanh nghiệp quý đầu năm vẫn ở mức âm 34 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với con số âm 204 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31.3.2024, nợ phải trả của Đất Xanh ở mức 14.164 tỉ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu kỳ. Trong đó, nợ vay chiếm 5.206 tỉ đồng; nợ trái phiếu đến hạn trả gần 300 tỉ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) cũng có kế hoạch chào bán cổ phiếu nhằm huy động hơn 11.700 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV năm nay.
Số tiền huy động được Novaland dự kiến dùng 10.600 tỉ đồng để góp vốn vào công ty con. Còn lại để tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản phải trả, thanh toán lương cho nhân viên và chi phí vận hành chung.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã và đang lên kế hoạch huy động vốn qua kênh này như: CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX), CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (Mã: DIG) CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH)...