Thi công “ẩu” để sớm bán điện ra thị trường
Mới đây, qua công tác thanh kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều vi phạm của các chủ đầu tư dự án điện mặt trời. Trong tổng số 431 công trình điện mặt trời lắp trên mái các công trình nông nghiệp, thì có tới 302 công trình chưa triển khai mô hình kinh tế trang trại. Trong khi đoàn liên ngành kiểm tra thì hầu hết các chủ đầu tư không có mặt tại hiện trường và khi kiểm tra hồ sơ, mà cử đại diện là nhân viên, bảo vệ làm việc với đoàn.
Có 427 công trình xây dựng chưa đảm bảo theo quy định tại Luật xây dựng. Đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra giám sát và đơn vị thi công chưa đảm bảo về điều kiện năng lực theo quy định. Một số công trình trang trại nông nghiệp có kết cấu yếu, không đúng quy cách. Rất ít mô hình mô hình chăn nuôi, trồng nấm có hiệu quả. Nhiều trường hợp còn chưa lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy, cột chống sét theo quy định…
Qua kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Gia Lai yêu cầu công ty Điện lực Gia Lai sớm rà soát, chấn chỉnh kiểm tra hồ sơ nghiệm thu, để các công trình điện mặt trời đảm bảo an toàn trước khi đóng điện. Với UBND các huyện, thị xã, thành phố thì sớm hướng dẫn cho các doanh nghiệp khắc phục các tồn tại đảm bảo công trình vận hành an toàn.
Quá tải nguồn điện, nguy cơ lãng phí nguồn lực
Việc rầm rộ đầu tư điện mặt trời ở tỉnh Gia Lai để hưởng lợi các ưu đãi từ Quyết định 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đang dần lộ rõ những bất cập, kẽ hở cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Nhà đầu tư điện mặt trời với chi phí xây dựng thấp, mau chóng, ưu đãi về giá bán điện hấp dẫn, có lời cũng như các ưu đãi khác về thuế, phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất…
Ông Huỳnh Minh Sở - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai - cho biết: “Qua thanh tra kéo dài hơn một tháng, phát hiện 9 dự án chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên mới đây, 9 dự án này xác định đã được chuyển đổi, do trước đó chủ đầu tư có sai sót, cung cấp hồ sơ không đầy đủ cho đoàn kiểm tra”.
Việc nhà đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy định, quy chuẩn mà đã vội vàng hợp đồng đấu nối để bán điện ra thị trường là vi phạm, đi ngược lại với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của cơ quan Nhà nước.
Ông Võ Ngọc Quý - Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai - cho biết, việc quy hoạch phát triển năng lượng nói chung và điện mặt trời nói riêng trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và UBND tỉnh. Việc phát triển điện năng lượng mặt trời trong thời gian sắp tới đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay Điện lực Gia Lai đang tạm dừng tiếp nhận và giải quyết các thủ tục đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển từ sau ngày 31.12.2020.
“Việc sử dụng công trình xây dựng điện mặt trời có đúng công năng, mục đích sử dụng theo đăng ký hay không là trách nhiệm của nhà đầu tư dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chuyên ngành có thẩm quyền”, ông Qúy nói.
Thời gian qua, do sự phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở tỉnh Gia Lai nên đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho hay, đơn vị đang đề xuất, kiến nghị về tình hình thực hiện điện mặt trời để báo cáo lên UBND tỉnh, tránh tình trạng lợi dụng chính sách về năng lượng để trục lợi, vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng. Để tránh phá vỡ quy hoạch đất đai nông nghiệp cũng như nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển nguồn điện, ngành chức năng cần sớm chấn chỉnh, rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư. Xử lý nghiêm vi phạm, có thể bắt buộc phải trả lại nguyên hiện trạng đất như ban đầu khi chưa xây dựng dự án điện.
Tính đến ngày 31.12.2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có tổng cộng 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư với tổng công suất 603,8 MWp. Các hệ thống này đã được nghiệm thu kỹ thuật và đấu nối phát điện lên lưới. 592 hệ thống lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng đấu nối vào trạm biến áp chuyên dùng với tổng công suất 512 MWp, trong đó có 463 hệ thống lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng là dự án trang trại nông nghiệp với tổng công suất là 439,4 MWp.