Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký văn bản số 3822, gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương đánh giá, các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ hạn chế được mức tăng của mặt hàng này trước biên độ biến động quá lớn từ giá thế giới.
So với cuối năm ngoái, bình quân mỗi lít xăng, dầu các loại đã tăng 26,73-67,96%, trong khi giá thế giới tăng 44,3-91,47%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân. Nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.
Do đó, với đề xuất hỗ trợ 6 tháng lương tối thiểu vùng cho ngư dân ngừng hoạt động, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
"Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách Nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay" - Bộ Công thương đề xuất.
Với người thu nhập thấp, bộ này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách an sinh xã hội hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Trao đổi với Lao Động, TS kinh tế Nguyễn Đình Ánh cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành có thể nghiên cứu trợ giá cho bà con ngư dân để họ ra khơi bám biển. Ví dụ, hiện xăng dầu mình bán gần 33.000 đồng mỗi lít, thì chỉ bán khoảng 20.000 đồng mỗi lít cho bà con ngư dân. Song phương án này cũng có bất cập là bà con có thể mang số xăng dầu được trợ giá này bán lại với giá cao, rất khó kiểm soát.
Chính vì vậy, nếu hỗ trợ cho ngư dân bám biển cần tính toán lượng dầu hỗ trợ và quy đổi bằng tiền, nếu ngư dân không đi biển thì không được hỗ trợ.
"Điều này hoàn toàn có thể làm được vì số lượng ngư dân được chính quyền địa phương quản lý rất kỹ, ngư dân đi biển ngày nào, về ngày nào đều được kiểm soát. Chính sách an sinh, hỗ trợ để giúp cho bà con không phải để thuyền nằm bờ, tạo sinh kế cho bà con ngư dân", ông Ánh nói.